Mặc dù các báo đều đưa tin với nội dung trích từ tờ trình của TP Hà Nội là: Kết quả khảo sát của Công an TP Hà Nội cho thấy, trong tổng số 15.000 phiếu khảo sát (ở 30 quận, huyện) có trên 90% người dân ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy trong nội thành.
Vậy nhưng, khi giật tít, hầu hết các báo đều chơi trò dối trá khi dùng câu khẳng định như đinh đóng cột: Hơn 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy trong nội đô.
Cách giật tít này dễ làm người ta hiểu lầm là tất cả người dân Hà Nội đều được hỏi và trên 90% ủng hộ. Và, chỉ cần nhìn vào cái tít, đông đảo người dân đã lên đồng phản đối, họ cho rằng Hà Nội đã lừa dối khi ko hỏi ý kiến họ mà đã vội kết luận như vậy.
15.000 người dân được phát phiếu xin ý kiến trên tổng số khoảng 5 triệu dân ở Hà Nội là một tỉ lệ khá nhỏ. Cách lấy phiếu khảo sát ngẫu nhiên có thể chấp nhận được. Nhưng, cách công bố thể hiện qua việc giật tít của một số báo là không thể chấp nhận được.
Tôi tin là nếu báo chí giật tít đúng với thông tin được cung cấp, ví dụ như: 90% Người dân được phát phiếu khảo sát ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân….Thì chắc chắn cách phản ứng của người dân sẽ khác.
Tít báo được coi là nội dung cốt lõi của bài báo. Vậy mà, ko hiểu sao, trước thông tin này, nhiều báo lại cố tình lèo lái thông tin như vậy?
Với cách giật tít kiểu này, cứ bảo sao người ta ko thấy mất dần lòng tin vào báo chí. Người cung cấp thông tin cũng sợ. Và người tiếp nhận thông tin cũng đầy hoài nghi và hết sức e dè.
Chính Báo chí đang tự làm giảm uy tín của mình, chứ không phải vì tác động gì khác.
Chiến Văn