Chiềng Chạ
"Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội bất ngờ xin từ chức, rút khỏi Hội". Đó là tít bài trên báo Lao động mới đây xung quanh việc ông Phạm Xuân Nguyên tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, xem chừng cái sự vừa xảy đến với ông Nguyên và do ông Nguyên thực hiện là hết sức bình thường. Và suy cho cùng đó là hệ quả tất yếu của một kẻ có tham vọng quyền lực và bất mãn với những điều thua thiệt đến với bản thân!
Bài viết có đoạn: “Vì sự bất đồng sâu sắc trong Ban chấp hành Hội Nhà Văn Hà Nội, với trách nhiệm của một người đứng đầu Hội trước toàn thể hội viên, với danh dự cá nhân của một người làm văn học, tôi đã tuyên bố từ chức" - nhà văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ".
Bài báo cũng cho biết thêm: "Trong cuộc họp, nhà thơ Bằng Việt công bố văn bản của Sở Nội vụ Hà Nội thông báo ông Phạm Xuân Nguyên không được tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội khóa sắp tới.
Phản đối công văn trên, không tìm được tiếng nói với Ban chấp hành, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã tuyên bố từ chức Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, đứng dậy rời cuộc họp".
Không ai dám phủ nhận đóng góp của cá nhân ông Nguyên đối với nền văn học nghệ thuật của thủ đô Hà Nội nói riêng trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Ông Nguyên được đánh giá là "một trong những cây viết phê bình sắc sảo của làng văn sau 30 năm làm nghề. Ông đã tự học tiếng Nga, Pháp, Anh đạt trình độ dịch tác phẩm văn học".
Tuy nhiên, điểm yếu của ông Nguyên và có lẽ cũng chính là lí do khiến ông Nguyên mất đi vị thế của mình không ngoài việc được Mai Dương (DG) chỉ ra: "Chết cười bọn nhà văn nhà thơ, mở mồm ra là chê bai chức quyền, đả kích quan lại, nhưng khi cho nghỉ phát thì giẫy nẫy như đỉa phải vôi, hehe.
Phạm Xuân Nguyên, nhân vật trong bài báo này là ví dụ tiêu biểu".
Có thể sẽ có người chỉ trích Sở Nội vụ Hà Nội bởi Hội nhà văn là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới văn học. Và việc ai tham gia Ban Chấp hành hay ai đó làm gì trong đó thì phải do các thành viên suy tôn, bầu lên. Việc can thiệp thái quá vì thế sẽ vô tình tạo nên sự chia bè, chia phái, mâu thuẫn nội bộ... Đó cũng là nguyên do làm cho sức sống của hội đi xuống và kéo theo là chất lượng văn học nghệ thuật sẽ đi xuống trông thấy.
Rất đồng tình với quan điểm này. Nhưng có lẽ với một người thích là nói, thích là đả kích như ông Nguyên thì một vị trí lãnh đạo trong Hội nhà văn Hà Nội là quá lớn và sẽ để lại nhiều hệ lụy. Bởi, nếu ông Nguyên phát ngôn những điều ông nghĩ suy với tư cách cá nhân thì không sao. Nhưng với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội thì đó lại là chuyện khác. Đặc biệt, trong đó có rất nhiều người có tiếng nói, uy tín với xã hội. Cho nên, dù biết rằng, việc làm của Sở Nội vụ Hà Nội là không nên, sẽ để lại những hệ lụy khôn lường nhưng nó là cần thiết. Và tốt hơn hết ông Nguyên nên đóng góp cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở khía cạnh chuyên môn, văn nghệ sỹ hơn ở khía cạnh, chức danh quản lý!
Tin chắc rằng, với tài năng của mình ông Nguyên sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa! Ra khỏi vị trí lãnh đạo biết đâu là chuyện hay!