Mõ Làng
Căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là vấn đề quan trọng trong pháp luật tố tụng hình sự (TTHS). Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ tập trung trao đổi, bàn về căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bi can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 trong vụ Đồng Tâm.
Khởi tố vụ án là giai đoạn mở đầu của TTHS, trong đó các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về kiểm tra thông tin, tài liệu thu được, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án.
Khởi tố bị can là hoạt động áp dụng pháp luật TTHS của cơ quan có thẩm quyền, trong đó xác định một người, pháp nhân đã thực hiện tội phạm để bắt đầu tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo trình tự, thủ tục của TTHS.
Căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can có vai trò quan trọng trong giai đoạn khởi tố. Việc tiến hành khởi tố chỉ được khởi động nếu xác định có căn cứ khởi tố. Việc khởi tố đúng pháp luật hay không phụ thuộc vào căn cứ khởi tố.
Căn cứ khởi tố vụ án được quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, có thể khẳng định về mặt pháp lý, căn cứ khởi tố vụ án hình sự đã được xác định là “dấu hiệu của tội phạm” đã xác định, đó là:
Có được những thông tin thực tế khách quan về hành vi phạm tội, có sự việc xảy ra và sự việc đó có dấu hiệu tội phạm; căn cứ để xác định dấu hiệu của tội phạm; có được những thông tin thực tế khách quan về hành vi phạm tội.
Trong vụ Đồng Tâm, rõ ràng thông tin, tài liệu thu được, xác định có các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 132 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Những người ở Đồng Tâm đã bắt giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an TP.Hà Nội, cưỡng chế họ nhiều ngày tại Nhà văn hóa thôn Hoành mà không trả tự do cho họ khi đã có khuyến cáo; đập phá 5 xe, gồm: 1 xe chở quân, 3 xe Innova, 1 xe cứu thương. Những sự việc đó là có thật (ai cũng biết), cố ý, có tính nguy hiểm cho xã hội và xâm hại đến con người, cơ sở vật chất nhà nước.
Công an Hà Nội khởi tố vụ án là cần thiết, đúng pháp luật và không thể làm khác. Thượng tôn pháp luật là điều mà không một ai có quyền bác bỏ, là sự công bằng trong một xã hội pháp trị. Không khởi tố vụ án Đồng Tâm là các cơ quan tư pháp Hà Nội không làm tròn chức năng bảo vệ pháp luật. Hơn nữa, nó sẽ tạo một tiền lệ xấu cho những hành vi tương tự nay mai. Và cuối cùng là tình trạng vô pháp, vô chính phủ như Đồng Tâm có thể lây lan.
Điều mà dư luận ồn ào về vụ Đồng Tâm không phải là vấn đề có căn cứ khởi tố hay không mà là vấn đề lời hứa trong bản cam kết của vị Chủ tịch Thành phố Hà Nội khi trực tiếp đối thoại với dân Đồng Tâm được ghi lại "Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm". Người ta cho rằng, như vậy là "bội ước, lật lọng". Người ta cho rằng, việc khởi tố lẽ ra phải thực hiện sau khi có kết luận thanh tra ở Đồng Tâm, chính quyền hành xử như vậy là "non tay", là "chiến đấu với dân bằng mọi giá hay mọi thủ đoạn".
Cần hiểu rằng, "Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm" không có nghĩa loại trừ bộ phận, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Luật cũng không quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với "toàn dân". Luật đòi hỏi phải cá nhân hóa, pháp nhân hóa tội phạm. Tại thời điểm ra quyết định khởi tố vụ án chưa yêu cầu xác định ngay người thực hiện tội phạm là ai, hành vi thực hiện tội phạm diễn ra như thế nào nhưng quá trình điều tra phải trả lời được điều đó. Không thể lấy "nhân dân" để bao che cho tội phạm. Như vậy là đồng lõa với tội phạm, vô hiệu hóa pháp luật. Không ai có thể đứng trên luật pháp, kể cả ông Chủ tịch Thành phố. Đấu tranh ở đây là đấu tranh với tội phạm, không có chuyện đấu tranh với nhân dân.
Đúng là ông Chủ tịch TP có cam kết "Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm" nhưng đó phải coi như một hành động nhân văn để ngăn ngừa một hậu quả xấu cho nhân dân Đồng Tâm như ông Chủ tịch TP trao đổi qua điện thoại với cụ Kình sau khi có quyết định khởi tố của cơ quan điều tra: "dân tự viết biên bản rồi ép tôi ký và lăn tay, anh Đồng và cô Lan xử lý thế là không được! Nếu lúc đó tôi không ký thì chỉ cần ai hô một câu thì hậu quả như thế nào cụ biết rồi,... tôi cũng lo cho dân chứ". Vậy là dân Đồng Tam đã bắt ép ông Củ tịch TP làm điều đó chứ không phải ông Chủ tịch TP dùng cam kết để "lừa dân".
Thanh tra ở Đồng Tâm được nêu trong "cam kết" là thanh tra quá trình hình thành, quản lý, sử dụng đất đai chứ không phải là thanh tra để xem xét đúng sai trong việc bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại, làm hư hỏng tài sản. Do vậy, có hay chưa có kết luận thanh tra không ảnh hưởng gì đến những tội danh mà cơ quan điều tra khởi tố. Có chăng chỉ là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng do động cơ bắt nguồn từ chuyện đất đai mà thôi.
Tội phạm là một hiện tượng xã hội luôn gắn với một thời điểm, một hoàn cảnh cụ thể, do đó việc khởi tố hay không khởi tố phải gắn với rất nhiều các yếu tố như: chính sách hình sự của nhà nước, yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Do vậy, khi khởi tố vụ án hình sự ngoài việc xác định các dấu hiệu của tội phạm, còn phải kết hợp với một số điều kiện như: Cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 3); nguyên tắc xử lý (Điều 3); thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27); miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29); tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12) và một số quy định khác ở một số tội danh ở từng thời điểm cụ thể theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Pháp luật khi thực thi cần thể hiện sự phân minh, moi công dân đều phải hiểu và ủng hộ điều đó.