Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, thu hồi đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho đất nước.
Từ không thể…
Trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 9/5, một trong những vấn đề được rất nhiều cử tri quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu ý kiến và yêu cầu Quốc hội xem xét lại là việc hiện diện của sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhiều ý kiến đề nghị thu hồi sân golf để giải quyết việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải như hiện nay.
Trước việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, phải thu hồi đất sân golf để cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất – ảnh Hoàng Lực. |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những kiến nghị của cử tri quận Tân Bình hoàn toàn có cơ sở.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, đa số cử tri ở quận Tân Bình đều là các sĩ quan quân đội từng làm việc trong sân bay, trong quân chủng phòng không không quân, vì thế họ hiểu hơn hết vấn đề tồn tại ở sân bay sôi động nhất Việt Nam.
“Không chỉ cử tri quận Tân Bình, theo tôi được biết cử tri nhiều quận khác của Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu ý kiến này.
Thực tế không phải bây giờ vấn đề thu hồi diện tích đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mới được đưa ra. Ngay thời điểm năm 2014 khi bàn về sân bay Long Thành chúng tôi đã đưa ra vấn đề này.
Tuy nhiên thời điểm đó rất nhiều ý kiến của phản bác nói không thể nâng cấp Tân Sơn Nhất”, ông Tống cho biết.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã từng bị bác bỏ – ảnh: H.Lực. |
Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nhớ lại tháng 8/2014, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành do ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước chủ trì.
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay (thời điểm năm 2014) có 20 triệu lượt hành khách qua Cảng hàng không Tân Sơn Nhất/năm, nếu mở rộng sân bay thì tối đa tăng được 25 triệu hành khách/năm và nếu tăng thêm 5 triệu hành khách thì buộc phải giải quyết các vấn đề về hạ tầng.
Theo ông Tín về quy hoạch đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không phù hợp, bởi khi mở rộng sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tương tự, tại cuộc họp này Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng cũng cho rằng việc mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là không thể.
Theo Phó Giáo sư Tống, hiện Bộ Giao thông vận tải đã có sự thay đổi tư duy trong vấn đề nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.“Tuy nhiên qua thời gian khi vấn đề ùn tắc diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng nghiêm trọng, lượng khách tăng mạnh qua từng năm cơ quan quản lý nhà nước mới nhìn lại vấn đề và buộc phải đưa ra các phương án nâng cấp Tân Sơn Nhất”, ông Tống nói.
Tuy nhiên, sự thay đổi này là chậm so với yêu cầu khách quan.
Đồng thời, Phó Giáo sư Tống cũng đặt ra một vấn đề đáng phải suy nghĩ, đó là nếu sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng nâng công suất, giảm ùn tắc thành công thì điều đó cũng chứng minh việc xây dựng sân bay Long Thành ở giai đoạn hiện nay là không cần thiết.
“Nói cách khác vì muốn đẩy nhanh việc phê duyệt dự án sân bay Long Thành nên bằng nhiều cách người ta cố lý giải không thể nâng cấp Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên thực tế đã cho thấy sân bay Long Thành cần ở tương lai xa, còn trước mắt phải nâng cấp để giảm ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Tống nói.
… Đến cần làm ngay
Theo Phó Giáo sư Tống, có nhiều lý do khiến người dân đề nghị thu hồi đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có ba điểm chính:
Thứ nhất, sân golf không ai làm trong thành phố, mà phần diện tích ấy phải được sử dụng thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội, hợp lý nhất chính là phát triển mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Số hóa chất này bị nước tưới, nước mưa… hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và thẩm thấu vào nước ngầm, tiếp tục trở thành nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho khu vực.
Thứ hai, từ khi sân golf hoạt động đến giờ gây ra tình trạng ngập nước sân bay ảnh hưởng tới việc đỗ, đậu của các máy bay.
Thứ ba, cần diện tích đất để xây dựng thêm nhà ga, chỗ đỗ máy bay trong khi dành đất làm sân golf là không hợp lý.
Nếu như phần diện tích làm sân golf được thu hồi để phát triển mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì lợi ích kinh tế mang lại cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn.
“Với những lý do trên việc đóng cửa sân golf và lấy 157 héc-ta mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng tăng trưởng hàng không từng ngày là cần thiết”, Phó Giáo sư Tống khẳng định.
Ông Tống cho rằng, tư duy nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã có sự thay đổi nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt, thiếu tầm nhìn dài hạn.
Cụ thể, việc Bộ Quốc phòng bàn giao 21 héc-ta đất và xây dựng thêm đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh, xây dựng thêm sân đỗ và 2 nhà ga mới để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 43 – 45 triệu hành khách/năm mới chỉ giải quyết vấn đề trước mắt.
Hiện sân bay Tân Sơn Nhất có thiết kế công suất 25 triệu hành khách/ năm nhưng ngay năm 2016 phải phục vụ 32 triệu hành khách/năm. Dự báo năm 2017 – 2020 lượng khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng mạnh, và việc đã lấy 21 héc-ta đất Bộ Quốc phòng bàn giao để nâng cấp tạm thời đáp ứng được nhu cầu.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn phát triển của ngành hàng không và tiềm năng phát triển trong tương lai thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sớm vượt 45 triệu lượt khách/năm.
Vì vậy theo ông Tống cần có cái nhìn chiến lược khi nâng cấp cải tạo Tân Sơn Nhất để tránh phải làm lại nhiều lần.
“Khi đã nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên công suất 45 triệu hành khách/năm nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thì sẽ giải quyết thế nào?
Chắc chắn vẫn phải tiếp tục nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy để tránh cách làm manh mún trong quy hoạch cần xác định mở rộng, nâng cấp Tân Sơn Nhất hết mức có thể mới tính phương án khác”, ông Tống nói.
Để chủ động trong quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, ông Tống cho rằng thu hồi đất sân golf là phương án hiệu quả nhất.
Khi có được mặt bằng đất sân golf, có thể thiết kế, quy hoạch các vị trí nhà ga, chỗ đỗ máy bay, đường lăn cho máy bay từ chỗ đỗ ra đường cất/hạ cánh một cách khoa học, hợp lý và tiết kiệm.
Ông Tống đặt vấn đề: “Thay vì hôm nay cải tạo từ 21 héc-ta, ngày mai lại cải tạo vài chục héc-ta, chúng ta cần có quy hoạch cụ thể để không phải làm lại nhiều lần. Tôi và nhiều người dân quan tâm là đất sân golf ở Tân Sơn Nhất có thu hồi được không? Bao giờ thu hồi?”.