CHUYỆN HAI LẦN BÁC VỀ THĂM QUÊ

Ông Trần Minh Siêu, nhà nghiên cứu lịch sử kể lại: Chỉ có 2 lần về thăm quê hương vào dịp tháng 6/1957 và tháng 12/1961, nhưng trong ký ức của người dân xứ Nghệ, đặc biệt những người đã từng được gặp và tiếp xúc với Bác vẫn còn nhớ như in những câu chuyện nhỏ nhưng sáng ngời đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1957, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến chuyển xán lạn. Miền Bắc sau ba năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh đã thu được một số thành quả. Do vậy, về đối ngoại, Bác muốn đi thăm, cảm ơn các nước anh em, bè bạn trên thế giới đã ủng hộ Việt Nam. Trước lúc lên đường Bác quyết định về thăm một số địa phương thuộc khu IV, trong đó có Nghệ An. Theo lịch trình, ngày 12-13/6/1957, Bác thăm tỉnh Thanh Hóa. Ngày 14-16/6/1957, Bác về Nghệ An. Ngày 15/6, Bác thăm Hà Tĩnh. Sáng ngày 16/6/1967, Bác mới về quê cha, đất tổ ở làng Kim Liên, Nam Đàn. Hôm đó đúng vào ngày Chủ nhật.
Nhiều người đón Bác trong ngày này chợt nhớ rằng, trước đó 11 năm (cuối năm 1946), tiếp anh, chị ruột của mình là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm sau mấy chục năm trời xa cách, Bác cũng chọn ngày Chủ nhật. Chỉ qua một chi tiết nhỏ, cũng thấy Bác vô cùng phân minh, giữa việc công và việc tư. Trong suốt cuộc đời của Người, điều này cũng thể hiện rất rõ.
Trở lại với ngày 13/6 (trước 3 ngày Bác về Kim Liên), mãi tới 11 giờ đêm Bác mới về tới Vinh. Khi Bác đang nói chuyện với đồng chí Nguyễn Chí Thanh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Khu ủy khu IV ở trong phòng khách thì một đồng chí mời đồng chí phục vụ Bác ra kiểm tra phòng tắm. Nơi đó, đã để sẵn hai giá thau, mấy chiếc khăn mặt mới và một miếng xà phòng thơm cho Bác. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (đi cùng Bác) lúc đó có mặt ở đó thấy vậy bảo: "Hãy cất bớt đi, chỉ để một giá thau và miếng xà phòng là đủ".

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và ngoài trời

Sau đó, đồng chí phục vụ Bác lấy trong túi xách ra một chiếc khăn bông trải lên giá thau, khăn vẫn trắng mềm, nhưng đã có đường chỉ khâu ở giữa. Đồng chí nói nhỏ nhẹ: "Khăn của Bác đã cũ, mòn như thế này, có lần tôi định thay chiếc khăn mới để Bác dùng, không ngờ Bác gọi tôi lại hỏi: Khăn của Bác đâu, nó còn dùng được, việc gì mà phải thay khăn khác".
Đồng chí phục vụ chỉ vào giữa khăn rồi nói: Đây là đường khâu của Bác và "tiết lộ" thêm rằng, mũ Bác đội cũng đã cũ lắm rồi, nhưng chưa ai dám đem thay. Đồng chí Trần Quốc Hoàn xác nhận câu chuyện và nói tiếp: Về đồ dùng, Bác chỉ cho phép loại bỏ những thứ đã thực sự hư hỏng. Bác làm như vậy vì cũng mong chúng ta làm như vậy. Phải giản dị, tiết kiệm, giảm đến mức tối thiểu việc chi tiêu cho riêng mình để tăng thêm sự đầy đủ cho người khác, đó là ý của Người.
Khi vào phòng ngủ, thấy ở giường nằm, trên chiếu còn trải thêm một lớp vải mềm, Bác khẽ bảo: "Chú Thanh, chú Khoát (Nguyễn Trương Khoát, Bí thư Tỉnh ủy - PV) cho cất bớt lớp vải này đi, dạo này trời nóng không cần đến". Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói: "Dạ thưa Bác, giường này nan thưa và cứng, chỉ trải một lần chiếu thôi thì sợ...". Bác hiểu ý, liền nói để đồng chí Thanh yên tâm: "Thôi cứ để một lần chiếu là đủ".
Trong hình ảnh có thể có: 12 người

Chủ tịch nước cũng ăn cơm độn
Vào cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An lần thứ 2 (từ ngày 8-10/12). Chiều ngày 8/12, sau khi làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An, Bác đến thăm nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nhấc từng chiếc lồng bàn lên để thấy tận mắt khẩu phần ăn của cán bộ, nhân viên. Sau đó, Bác nhận lời mời ăn cơm tối cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Bữa cơm hôm ấy, ngoài mấy món đơn giản, chị em phục vụ nhà bếp đã chọn gạo trắng để đãi Bác. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, đột nhiên Bác bảo một cán bộ đi cùng đưa gói cơm của đoàn ra. Đó là một gói cơm trắng độn ngô đỏ. Đồng chí phục vụ lấy dao cắt ra từng miếng, chia đều cho mọi người để cùng ăn với Bác. Lúc này các đồng chí Tỉnh ủy cứ nhìn nhau, không ai dám xới cơm trắng ra.
Hóa ra trước chuyến đi, bộ phận Văn phòng đã chuẩn bị cơm nắm cho Bác. Lúc này cả nước đang thực hiện ăn gạo độn màu để có đủ gạo chi dùng và dự trữ, Bác cũng thực hiện như bất cứ người dân nào. Một vị Chủ tịch nước mà giản dị đến mức không ngờ, nói luôn đi đôi với làm, làm một cách tự giác, đó là một trong nhiều đức tính quý báu của Bác, có sức lay động lòng người. Bữa cơm hôm đó, những người tham dự ai cũng đều xúc động, nghẹn ngào.
Sáng ngày 10/12/1961, Bác đến thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành, lá cờ đầu về phong trào trồng cây toàn miền Bắc. Lúc Bác đang nói chuyện với cán bộ, nhân dân thì nắng lên cao. Một cán bộ xã xuống nhà một người dân mượn cái ô lên che cho Bác. Vừa dương ô lên, Bác gạt ra và bảo:" Bác không phong kiến". Người chỉ xuống cả biển người phía dưới, cũng đang đứng dưới nắng. Ai nấy đều cảm động trước cách xử sự của Người.
Kết thúc buổi nói chuyện, Bác còn dặn: "Bà con, các cô, chú nên về làm bù, hôm nay Trung ương và Bác về làm mất của bà con một buổi cày...".
Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn tâm niệm phương châm "lấy dân làm gốc". Vì vậy mà mọi hành động, lời nói, Người đều hướng đến nhân dân, vì nhân dân.
Nghĩ tới Người, ông Trần Minh Siêu xúc động: "Bác của chúng ta là một tấm gương lớn về đạo đức cách mạng: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí Công Vô Tư, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân".

Author:

Previous Post
Next Post