Mẹ Đốp
Dưới đây là tường trình của BBC Vietnamese về lí do bà Nguyễn Thị Xuân, thành viên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc, hiện là Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắc Lắc bị dư luận chửi: "Bà Nguyễn Thị Xuân, thành viên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Daklak, đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155 (Tội bôi nhọ), điều 156 (Tội vu khống) tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, nhà nước.
Tuy nhiên, một số luật sư và nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam cho rằng bổ sung các nội dung trên là không hợp lý. Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho rằng đề nghị của bà Xuân không phù hợp với vai trò của đại biểu Quốc Hội. "Đại biểu Quốc hội phải phản ánh tiếng nói nguyện vọng của người dân. Người này thay vì phản ánh theo nguyện vọng của dân thì lại quay sang bảo vệ lãnh đạo," ông nói với BBC. http://bbc.in/2rAa1d1".
Thông tin về đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Nguồn: Internet).
Khá khen cho một số luật sư và nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam, trong đó có "Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các" với ý kiến cho rằng: "Đại biểu Quốc hội phải phản ánh tiếng nói nguyện vọng của người dân. Người này thay vì phản ánh theo nguyện vọng của dân thì lại quay sang bảo vệ lãnh đạo". Nhưng xem chừng nó cho thấy một não trạng định kiến, hẹp hòi và thiếu hiểu biết. Luận giải sau đây cho thấy rõ điều đó:
Về địa vị pháp lý: "Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn địa diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội".
Nhưng về nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu Quốc hội bao gồm:
"- Chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình;
- Liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan; phải báo cáo trước cử tri mỗi năm ít nhất một lần về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình;
- Có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia quản lý nhà nước;
- Có nhiệm vụ tham gia các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của tổ đại biểu Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội;
- Có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định;
- Có trách nhiệm tiếp công dân. Khi nhận được kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết; đôn đốc và theo dõi việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại tố cáo đó trong thời hạn theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo;
- Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không thoả đáng, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan hữu quan cấp trên của cơ quan đó giải quyết;
- Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc của công dân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo cho đại biểu Quốc hội biết việc giải quyết. Quá thời hạnh nói trên mà cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị không trả lời thì đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên, đồng thời báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định;
- Khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân. người đứng dầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tiếp và đáp ứng những yêu cầu của đại biểu Quốc hội....".
Xin lưu ý những từ gạch chân. Theo đó đúng là đại biểu Quốc hội là đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của người dân. Nhưng xin thưa "nguyện vọng", "ý chí" ấy phải trên cơ sở hài hòa với ý chí, nguyện vọng của các chủ thể khác và điều quan trọng hơn là ĐÚNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT. Việc bất chấp "ý chí", "nguyện vọng" của các chủ thể khác để bảo vệ "ý chí", "nguyện vọng" của người dân không khác gì bắt Đại biểu Quốc hội phải vi phạm pháp luật, chà đạp lên các chủ thể khác. Đó là điều mà xét dưới khía cạnh nào đi nữa thì đều khó mà châp nhận.
Thứ hai, có một thực tế dễ thấy là do đặc thù nên đại biểu Quốc hội tại Việt Nam đa phần là người kiêm nhiệm. Trường hợp bà Xuân là đại biểu Quốc hội nhưng bà vừa là Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắc Lắc. Và đứng trên nhiệm vụ của mình, với mục đích để đảm bảo an ninh, trật tự thì cũng thông qua diễn đàn quốc hội họ đương nhiên có quyền đề đạt những ý kiến cá nhân góp phần giúp bản thân thực hiện tốt, đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Chính vì vậy, chỉ có những kẻ không hiểu chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cũng như không hiểu tính đặc thù của cơ quan lập pháp tại Việt Nam mới buông lời chửi bà Xuân!