GS Úc: “Không có lý do gì Việt Nam không thể tiếp tục duy trì hai cái Tết”

Trả lời báo điện tử Trí Thức Trẻ, GS Carl Thayer đã có những chia sẻ xoay quanh Tết của Việt Nam qua lăng kính của một chuyên gia về quan hệ quốc tế giàu trải nghiệm với mảnh đất hình chữ S.
image-2-1485136709300-3-0-499-800-crop-1485136720348
Nhân dịp Tết đến, Giáo sư Carl Thayer – GS danh dự Đại học New South Wales (Úc) – đã chia sẻ một vài suy nghĩ từ góc nhìn quốc tế về Tết Nguyên đán tại Việt Nam, cũng như cuộc tranh luận có nên bỏ Tết hay không.
1. Là chuyên gia trải qua nhiều năm quan sát và nghiên cứu Việt Nam, Trung Quốc và Đông Nam Á, ông có cảm nhận gì về Tết cổ truyền của Việt Nam?
GS Thayer: Những nền văn minh khác nhau sở hữu nhiều cách tính lịch hàng năm khác nhau. Tết Nguyên đán vốn bắt nguồn từ nền văn minh châu Á, trong đó có Việt Nam. Mọi quốc gia đều có quyền tự hào về di sản của mình.
Các nước phương Tây và những nước chịu ảnh hưởng từ phương Tây, sử dụng lịch Gregory – được đặt tên theo Giáo hoàng Công giáo Gregory thứ 13 – đưa vào lưu hành từ 1581.
Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ vùng đất mà ngày nay là Trung Quốc. Tết Việt Nam sử dụng Âm lịch và đón chào ngày đầu tiên của mùa Xuân. Chúng ta nên gìn giữ những truyền thống đưa gia đình và bè bạn đến gần nhau hơn.
2. Qua kinh nghiệm làm việc với người Việt Nam, đã bao giờ ông gặp phải khó khăn gì vì lý do đồng nghiệp người Việt Nam có kỳ nghỉ Tết dài và đã khi nào ông bắt gặp lời phàn nàn tương tự tại Úc chưa?
GS Thayer: Người Việt ở nước ngoài thường tuân theo phong tục địa phương và quy định nghỉ lễ nơi họ sinh sống.
Điều kiện làm việc hiện nay cho phép mọi lao động được nghỉ phép số ngày nhất định mỗi năm.
Những người Việt Nam muốn về nước đoàn tụ cùng gia đình cần xin phép nghỉ trong thời gian đó. Nếu cấp trên cho phép, họ hoàn toàn tự do lên đường. Còn trong trường hợp nếu tôi muốn ghé thăm Việt Nam hay một nước khác, tôi cũng sẽ phải cân nhắc tập quán địa phương và ngày nghỉ theo pháp luật ở đó.
Khó khăn duy nhất tôi gặp phải là từ một chuyến thăm Malaysia từ nhiều năm trước. Tôi đã không thể rời khỏi Kuala Lumpur bằng phương tiện công cộng vì vé Tết đã bán hết trước đó.
3. Ở VN hiện nay, có ý kiến cho rằng nên bỏ Tết cổ truyền, hoặc gộp vào Tết Dương lịch, để không ảnh hưởng đến giao thương quốc tế, có lợi cho phát triển kinh tế. Từ quan điểm của một chuyên gia về chính trị, quan hệ quốc tế, ông có cho rằng nên làm như vậy?
GS Thayer: Không có lý do gì Việt Nam không thể tiếp tục duy trì hai cái Tết. Thời lượng mỗi kỳ nghỉ cần được quy định trong pháp luật.
Các cơ quan và chính phủ có thể đề ra chính sách phù hợp nhằm đảm bảo nhân sự tối thiểu, đủ để duy trì công việc. Nếu kỳ nghỉ lễ được thông báo từ sớm, các cơ quan đoàn thể và người dân hoàn toàn có thể lên kế hoạch.
Năm 1994, tôi được cho một cặp vé xem World Cup ở Mỹ. Hai vợ chồng tôi đến Boston, New York trùng với thời gian học sinh được nghỉ hè tại Úc. Tuy nhiên, vợ tôi lại bị yêu cầu quay lại do có công việc tại Bộ Quốc phòng, nơi vợ tôi làm việc khi đó.
Quy tắc có ưu tiên cho các gia đình có trẻ em được nghỉ phép. Nhưng do chúng tôi lúc đó chưa có con, vợ tôi bắt buộc phải bay về Úc. Cô ấy đã bỏ lỡ mất trận tứ kết.
GS Úc: Không có lý do gì Việt Nam không thể tiếp tục duy trì hai cái Tết - Ảnh 2.
Hai vị khách quốc tế thích thú ngắm những cành đào tại khu chợ Tết. Ảnh: Zing.vn
4. Một nhà ngoại giao Nhật Bản ở Việt Nam cho rằng VN nên giữ Tết cổ truyền, để giữ gìn bản sắc dân tộc, vì bản sắc chính là sức mạnh mềm. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
GS Thayer: Việt Nam nên giữ gìn Tết không chỉ bởi các lý do truyền thống, văn hóa hay bản sắc dân tộc, mà còn bởi những người Việt sinh sống tại nước ngoài.
Hôm nay tôi vừa tham gia buổi chung vui đón Tết tại Canberra, và đó là cơ hội gặp gỡ nhiều người bạn Việt Nam, gồm cả những người đã kết hôn với người Úc. Đó cũng là dịp để những người Úc có liên hệ với Việt Nam được họp mặt.
Đây chính là ví dụ tiêu biểu cho sức mạnh mềm. Tại buổi chung vui, cả Đại sứ Việt Nam tại Úc và lãnh đạo Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Úc đều phát biểu. Nhiều người tham dự được biết thêm về tình hình đất nước. Cùng lúc đó, rất nhiều người Úc gốc Việt quay trở lại Việt Nam đoàn tụ bên gia đình.
5. Ở Úc, kỳ nghỉ lễ dài nhất là bao nhiêu ngày và chính phủ Úc làm thế nào để cân bằng giữa việc đảm bảo nhu cầu nghỉ ngơi của người dân, giữ gìn truyền thống mà không làm ảnh hưởng đến việc hội nhập quốc tế?
GS Thayer: Tại Úc, kỳ nghỉ dài nhất là từ Giáng Sinh đến ngày 2/1. Công chức được nghỉ Giáng Sinh và ngày Boxing (25/12 và 26/12), và Năm mới (1/1 và 2/1). Chính phủ nghỉ lễ trong thời gian này và yêu cầu nhân viên nghỉ xen kẽ các ngày 28 – 31/12. Văn phòng công vụ làm việc vào 3/1, với ngoại lệ là các bộ ngành liên quan đến an ninh và quốc phòng.
Như vậy, Giáng sinh hoặc lễ Phục sinh là dịp nghỉ dài nhất tùy theo có rơi vào gần cuối tuần hay không. Vì Giáng sinh tại Úc diễn ra vào mùa hè và gần Năm mới, rất nhiều người xin nghỉ phép vào dịp này.
Sự thật là một số công việc bị đình trệ trong thời gian này. Các doanh nghiệp tư nhân được quyền tự do quyết định việc nghỉ phép của nhân viên, ví dụ như một người có thể tự nguyện làm việc và sẽ được tiền thưởng. Những nhân viên sai phạm quy tắc sẽ bị phạt.
Điểm mấu chốt là quốc gia nào cũng cần cân bằng giữa đời sống văn hóa giàu đẹp và thời gian rời xa công việc với duy trì hiệu quả công việc nói chung.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Author:

Previous Post
Next Post