Do là cô dâu đã có thai trước khi cưới, nên cô dâu phải leo lên từng bậc thang tre để vào cửa sau của nhà chồng.
Những ngày giáp tết cũng là mùa cưới, cưới khắp Bắc - Trung - Nam. Chẳng có gì để nói vì đó là chuyện vui cũng là chuyện tự nhiên của con người. Nhưng hôm nay, ở thế kỷ 21 này, tôi nhìn thấy hình ảnh cô dâu mặc váy trắng, đội nón lá leo lên từng bậc thang tre để vào cửa sau của nhà chồng (được cho là ở Bắc Kạn), lý do là cô dâu đã có thai trước khi cưới.
Có cái gì đó chặn ngang cổ họng tôi lại, có cái gì đó không ngăn được nước mắt tôi rơi. Bởi chắc chắn đó không phải là một nơi nghèo, nhìn nhà cửa và cách ăn mặc của họ, nhưng hủ tục vẫn còn, người ta chấp nhận hủ tục đó mà không một lời phản kháng. Trái tim tôi như có ai đó bóp chặt lại, tôi ngồi hỏi mình, sinh ra làm phụ nữ là đúng hay sai? Và cơ quan chính quyền, hay đại diện của hội phụ nữ địa phương này đâu?...
Ngày 8.3, 20.10 sinh ra để làm gì? Người ta rình rang ăn mừng để làm gì, quà cáp, hoa hồng để làm gì? Rồi chính phụ nữ lại đối xử với phụ nữ tệ bạc và đau đớn thế này? Đây không thể gọi là “thuần phong mỹ tục” hay “bản sắc văn hóa”, nó là “hủ tục”, là những tập tục vô cùng lạc hậu, coi khinh phụ nữ.
Hủ tục này có từ thời phong kiến, thời mà người ta còn dạy con gái “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, thời mà chuyện nam nữ yêu nhau là chuyện tội lỗi, thời mà người ta coi chuyện quan hệ tình dục là thứ tội lỗi, dơ bẩn gớm ghiếc nhất trong mọi điều dơ bẩn trên trái đất này, nên con gái lỡ mang thai trước ngày cưới, là sự sỉ nhục cho cả gia đình dòng họ, nên nhà trai họ tự đặt cho mình bất cứ “hình phạt” nào để trừng phạt cô dâu, trong đó, việc đi cửa sau (hoặc chui cửa chuồng heo, chuồng bò) là một “hình phạt” phổ biến cho tội dám “ăn cơm trước kẻng”, tội “hư thân mất nết” của cô dâu.
Nhưng thế kỷ này là thế kỷ 21, người ta mặc veston, giày tây, váy trắng trong ngày cưới, nhưng trình độ dân trí hình như không đi theo kịp những hào nhoáng và thay đổi bên ngoài, không theo kịp sự dủ đầy hay thừa thãi về vật chất. Người phụ nữ vẫn không đứng được bình đẳng với nam giới, thậm chí, dư luận không cho họ “quyền” được bình đẳng với những người phụ nữ khác.
Ở thế kỷ này, các bệnh viện phụ sản hằng năm có hàng ngàn lượt bệnh nhân điều trị hiếm muộn, họ đánh đổi cả gia sản và cuộc đời mình để có một đứa con. Và bất cứ ai trong chúng ta, đều nhận thức được rằng, con cái là “phúc trời ban”. Một sinh linh đến với thế giới này để mang sứ mạng làm người, đều xứng đáng được chào đón, nâng niu và chăm sóc. Không chỉ vậy, luật pháp của chúng ta cũng đã có những điều luật quy định về bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Bộ máy chính quyền có hẳn những cơ quan rất lớn để làm công việc đó.
Trở lại chuyện tấm ảnh này, cô dâu mặc váy trắng, đội nón lá, bụng đang mang thai phải leo những bậc thang tre lên mái nhà chồng. Bên trên có nhiều thanh niên đợi để dắt cô đi tiếp, bên dưới là những người đàn ông giữ thang, và đám đông đứng vòng quanh chụp ảnh, quay phim hay bàn tán với nhau. Hình như không có ai phản kháng khi nhìn thấy hình ảnh này, hình như người ta xem đó là chuyện tất nhiên xảy ra. Có ai trong đám rước đâu hôm đó thấy phẫn nộ không? Có ai thử đặt mình vào cảm giác của cô dâu lúc đó không? (Nói thật, nếu tôi là cô dâu hay mẹ cô dâu, tôi quay về, hủy đám cưới và không bao giờ gặp lại bất cứ ai kể cả người tôi sắp gọi làm chồng).
Vấn đề ở đây, là một vùng đất không còn nghèo về vật chất, tại sao vẫn còn lạc hậu đến mức này? Chính quyền địa phương, hội phụ nữ, người làm công tác tuyền truyền dân vận, người làm công tác văn hóa hay giáo dục... Tất cả họ đã hoàn thành công việc của mình hằng năm thế nào?
Nguyễn Anh Đào