Hình ảnh chú hải cẩu bị đánh, nằm chết trên bờ biển Phan Rí Cửa (Bình Thuận) đã đem lại nhiều cảm xúc trái ngược: xót thương, phẫn nộ, căm giận, đau buồn, tiếc nuối…
Trên mạng xã hội, nhiều người đã không kìm nén được cảm xúc của mình khi hình ảnh đau thương này được chia sẻ.
Ở Việt Nam, không thiếu những hình ảnh động vật hoang dã bị hành hạ dã man, bị tra tấn đến chết để thoả mãn thú vui mông muội của con người. Tìm trên Google từ khoá “giết động vật dã man”, sẽ thấy hàng loạt hình ảnh, câu chuyện kinh hoàng về vấn nạn này.
Câu hỏi đặt ra là, từ bao giờ, con người trở nên hung bạo, tàn độc đến vậy? Và nguyên nhân nào khiến cho phần thú tính trong con người trỗi dậy, thắng thế, hoành hành?
Tôi nghĩ ngay đến khiếm khuyết của nền giáo dục. Một thời gian dài xã hội lao theo kiến thức, bằng cấp, chen đua thành đạt về vị trí, thu nhập mà coi nhẹ phần quan trọng nhất là bồi đắp “phù sa yêu thương” cho tâm hồn con người. Nhiều nơi, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vốn tồn tại lâu đời được hạ xuống, thay vào đó là “Học để biết, học để hoà nhập…”, “Học, học nữa, học mãi”…
Tôi không có ý hạ thấp việc học hoặc phân tích đúng sai trong câu từ của các khẩu hiệu. Mà rõ ràng, chúng ta đang thấy đạo đức con người xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù những người đứng đầu ngành giáo dục qua các thời kỳ không ngừng hô hào đổi mới.
Một xã hội tốt đẹp là xã hội mà trong đó, không chỉ con người được hạnh phúc bình đẳng, mà cả những con vật cũng được hưởng cuộc sống đúng như tự nhiên ban tặng. Qua bao nhiêu năm tạo dựng, chúng ta đang gặt hái được gì, về mặt đạo đức, nhân phẩm, tình thương, trách nhiệm ở mỗi cá nhân con người đối với cộng đồng? Những hình ảnh giết voọc, hành hạ khỉ, giết và buôn bán động vật quý hiếm đang làm xấu đi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt của bạn bè quốc tế. Đáng buồn thay, tình trạng này vẫn diễn ra hằng ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm.
Tôi cũng không bi quan đến mức mất hết niềm tin vào thiên lương trong sáng của con người. Trước khi bị giết chết, chú hải cẩu đã nhiều ngày chơi đùa với những người dân ở bãi biển Phan Thiết, thậm chí, chú còn được âu yếm đặt tên là Sam Sam. Nhưng, những người tốt, cuối cùng vẫn không chịu đau buồn vì hành động của “những cá thể” xấu gây ra.
Chính phủ đang khẳng định trước toàn dân quyết tâm “kiến tạo”, “phục vụ”. Tôi nghĩ, thứ đáng “kiến tạo” nhất là tài nguyên con người. Nếu chúng ta bỏ quên điều này để chạy theo những con số tăng trưởng kinh tế vốn hết sức cần kíp trước mắt thì về lâu dài, nền tảng của một xã hội nhân văn sẽ thiếu vắng trầm trọng.
Y Thiện Niê