Đời sẽ dịu dàng biết mấy khi chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau

Từ http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/phu-nu-va-ruou-3529353.html


Tôi uống rượu nhiều, đa số với người quen (thân) và nếu có người lạ thì thường là những cô gái xa lạ do "người quen" dắt đến.

Có đủ thứ lý do khó hiểu cho sự hiện diện xa lạ này, tôi thấy đa số mang tâm thế khiên cưỡng, nụ cười luôn gượng gạo, bởi đơn giản họ phải đi “tiếp khách”.

Đàn ông rượu vào lời ra, cưa cẩm, tán tỉnh, chân tay quăng ba lăng nhăng, uống là phải khoác vai. Thường thì khi đã say tơi tới thật thì họ quay ra tranh luận chuyện trên giời, đó là lúc những phụ nữ trong mâm tuột ra ngoài, lặng lẽ ngồi nhìn ly, nhìn đĩa và nhìn nhau. Cùng cực chán nản.

Có lần ngồi cạnh một chị "bị" mời đến lúc dở rượu, vừa ngồi xuống các anh hăng say bắt uống chào mâm. Chị cười và uống đủ lễ, đến ly thứ sáu thì sau mỗi lần hết chén là đưa khăn ăn che miệng, tôi phát hiện chị nhè rượu ra đó, chị nhận ra điều đó đặt chiếc khăn tang vật ướt đẫm rượu xuống cạnh ghế ngồi, ánh mắt lấm lét nhìn tôi như mắc tội.

Tôi mỉm cười thân thiện, không nói gì cả, nâng chén lùa đám đã ngà say vào chuyện khác. Mãi sau chị mới khều khều: "Cảm ơn anh không mách chuyện em ăn gian. Cho phép em mời anh một chén riêng, đây là rượu thật và uống thật nhé".

Đó là một tình huống khó xử. Tôi không muốn ép ai uống rượu, nhất là phụ nữ khi bằng trực giác thấy rằng điều đó là cực hình với họ. Tửu lượng tùy người, đàn ông uống cấp tập ngần ấy khi đói bụng còn ngã ngửa.

Trước đây tôi đọc đâu đó cho rằng đàn bà ít uống không phải vì tửu lượng kém, hình như họ duy nhất thường uống ừng ực một cách chân thành nhất khi quá chán. Buồn khác với chán. “Chán” ở đây là trạng thái tâm lý khi bị vô số nỗi buồn lớn nhỏ cuộc sống vây hãm, nuốt bất cần.

Chị em bị ép đi uống, rót rượu, cười, nâng ly, khách... vì lý tế nhị nào đó hoặc nhằm mưu cầu trong công tác, liệu họ có chán? Chán đến mức nếu có những quấy rối, va chạm suồng sã nhạy cảm giống như "vô tình", cũng không phản ứng?

Chuyện tiếp khách, uống rượu, bông đùa cợt nhả ở cái tuổi trung niên kém mặn mà không còn lạ. Nhàm đến mức người ta còn chả buồn ngạc nhiên nữa khi thấy bóng dáng phụ nữ bên bàn nhậu, say ngất ngư nôn thốc tháo lẫn trong tiếng cười ha hả thỏa mãn niềm vui ít lịch lãm, nhất là những ngày khách khứa cuối năm sặc mùi "xôi thịt". Thứ văn hóa này phổ biến đến mức càng đi ra tỉnh ngoài càng thấy sợ, khách chỉ việc ngồi một chỗ, đội "chủ nhà" lùa từ chị kế toán, em lễ tân, cô cần vụ... tất thảy phụ nữ trong cơ quan ra cụng ly chúc sức khỏe khách "trăm phần trăm”, hết ly như một quán tính là đưa tay ra bắt. Khách nhiều vị quá chén cứ nắm lấy bàn tay ấy nhìn mắt cười hỏi tên xin số điện thoại.

Những ngày tháng Chạp, có bao nhiêu phụ nữ đang nở những nụ cười gượng gạo bên bàn rượu, đầu thì quay quắt làm sao trốn được chén tiếp sau, lòng dạ chán chường. Tôi đoán là nhiều. Cái gọi là “những bữa tất niên” đôi khi không thuần túy là một cuộc gặp gỡ cuối năm cũ trước khi về quê ăn Tết. Nó mang cả sắc thái ngoại giao, tri ân đối tác, chúc tết lãnh đạo, và phụ nữ ngồi bên bàn đã thành một cái nếp của nhiều cuộc rượu-ngoại-giao.

Chuyện có thể nhỏ ở tầm xã hội, nhưng nếu người ta cứ lờ chuyện nhỏ ấy đi và tạo thành một “nét văn hóa” thì rõ là não trạng xã hội, hay là của những bàn tay chìa ra bắt sau chén rượu kia, có vấn đề không nhỏ.

Trước khi chị em đủ bản lĩnh lắc đầu thì đám đàn ông cần biết cảm thấy hèn với thứ "quyền lực mềm" cưỡng chế phụ nữ đi tiếp khách, uống và buông lời thớ lợ.

Đời sẽ dịu dàng biết mấy khi chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau.

Hoàng Minh Trí

Author:

Previous Post
Next Post