Sau chuyện một nghệ sĩ mang tội ấu dâm mãn hạn tù ở nước ngoài trở về nước một cách ồn ào, báo chí đăng tin, một bộ phận không nhỏ mừng rỡ chào đón... tôi bỗng hoảng hốt nhận ra, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam đang vô cùng xem nhẹ loại tội phạm này, cũng như không mảy may hiểu được những nguy hiểm mà loại tội phạm này để lại cho nạn nhân của chúng.
Tôi tìm tất cả những thông tin về những vụ quấy rối từng diễn ra, rất đau lòng khi nhận thấy con số những vụ quấy rối, hiếp dâm rất lớn, mà độ tuổi nạn nhân thậm chí mới 2 tuổi như ở Thanh Hóa mới đây. Độ tuổi phổ biến nhất là học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở, không chỉ trẻ em gái, mà trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân của tội phạm này. Thủ phạm có thể là bất cứ ai, từ bảo vệ trường học đến cả thầy giáo, từ hàng xóm đến bà con thân thuộc... Hầu hết những vụ đã bị phát hiện, nạn nhân đã chịu đựng suốt một thời gian dài, mà vì các em quá nhỏ để hiểu được những nguy hiểm đang xảy ra với mình, chỉ cần cho một cái kẹo, hay một lời dọa nạt đã khiến các em im lặng chịu đựng.
Văn hóa Việt Nam xem giáo dục giới tính, chuyện nam nữ là một chuyện gì đó dơ bẩn đồi bại, không thể nói trong phạm vi nhà trường. Tôi nhớ ngày tôi còn đi học, bài học về giới tính nằm trong sách sinh học, và giờ đó, giáo viên đã thoải mái cho gần như tất cả học sinh ra ngoài nếu không muốn học. Nhưng nếu không dạy, làm sao trẻ biết được đâu là hành vi yêu thương, đâu là hành vi quấy rối?
Không chỉ quan tâm đến các em đã đến tuổi dậy thì, mà môn học này phải dạy cho trẻ từ những năm đầu của tiểu học với giáo trình phù hợp từng độ tuổi. Cái quan trọng nhất, là trẻ cần phải biết hành vi nào là hành vi xấu, những động chạm nào là không thể, những đối tượng nào cần tránh xa hoặc nhờ giúp đỡ, và trên hết, dạy trẻ không được sợ hãi.
Quý vị hãy thôi đưa những bài học về sự dũng cảm “đi trên miểng chai” hay nhiều bài học vô bổ khác vào bộ môn “kỹ năng sống”, mà hãy dạy cho trẻ những kỹ năng cơ bản và cần thiết để trẻ nhận biết mình bị quấy rối và cách thoát ra khỏi đó.
Tôi là một người mẹ, như vô số người mẹ khác, cảm thấy sợ hãi trước một thực trạng tội phạm được bao che (thậm chí được tung hô), gây ảnh hưởng trực tiếp đến những đứa con chưa đủ lớn để phản kháng. Tôi hoang mang khi mỗi ngày đọc tin đâu đó đứa trẻ này bị hiếp dâm, đứa kia bị giết chết, ở độ tuổi thậm chí chúng còn chưa phân biệt được rõ ràng con trai và con gái khác nhau những gì. Vì vậy, để an toàn cho chính con em mình, tôi đề nghị đưa thêm nhiều bài học về giáo dục giới tính, về cách nhận biết và đối phó với quấy rối vào chương trình học chính thức của trẻ, từ trẻ tiểu học đến hết phổ thông trung học.
Nguyễn Anh Đào