Trong những ngày gần đây trên một số trang mạng có thâm niên chống phá đất nước, như: Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam… đang lan truyền cái gọi là “Thư ngỏ: về việc đề nghị giảm án, trả tự do cho tù nhân dịp Tết Nguyên Đán”. Tuy nhiên, nhìn vào những thông tin được đưa ra “Thư ngỏ” cũng như các cá nhân được liệt vào danh sách để ký tên đã khiến nhiều người không khỏi nghi ngại về tính chính danh, cũng như mục đích thực sự của hoạt động này.
Bài đăng trên blog Anh Ba Sàm (Ảnh chụp màn hình)
Bức “Thư ngỏ” trên được 14 người ký tên, bao gồm: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Bùi Tiến An, Võ Văn Thôn, Trần Quốc Thuận, Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Thanh Công, Cao Lập, Trần Văn Long, Andre Mandras, Lữ Phương, Lê Thân, Thiều Thị Tân. Theo lời tự giới thiệu thì 14 người ký tên vào bức “Thư ngỏ” là những “cựu tù chính trị trước năm 1975”. Vì lẽ đó, họ “cảm thông và chia sẻ nỗi đau với những người đang phải chia lìa với người thân yêu để chỉ có thể nhớ về gia đình qua chấn song nhà tù nghiệt ngã”.
Các cá nhân ký tên vào bức “Thư ngỏ” còn đưa ra nhận định: “tại Việt Nam hiện vẫn còn có những người bất đồng chính kiến đang bị tù oan uổng”; “Hệ thống nhà tù ngày càng đông tù nhân cho thấy mặt trái của chế độ cầm quyền”… Theo họ, “mỗi dịp xuân đến mở đầu một năm mới, là dịp xem xét lại cuộc hành trình của năm qua, điều chỉnh để tái tạo cho mình một sức sống mới. Rộng hơn nữa, xem xét lại cuộc hành trình của cả dân tộc thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, rà soát lại trách nhiệm vận hành guồng máy quản trị quốc gia, trước hết là những người gánh vác trọng trách với nước, với dân”. Chính vì lẽ đó, bức “Thư ngỏ” đã đưa ra lời đề nghị tới 03 người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ về việc giảm án, trả tự do cho tù nhân nhịp Tết Nguyên Đán.
Rõ ràng, số người tham gia soạn thảo bức “Thư ngỏ” đã tỏ ra mình là những kẻ “cao tay”. Họ khéo léo dựa trên truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mỗi dịp tết đến xuân về là sum họp để đưa ra là lời đề nghị về việc giảm án, trả tự do cho các tù nhân, từ đó gián tiếp đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt, vu cáo, bôi đen thực tế xã hội và thực trạng tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Cần khẳng định: “Tại Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm hay người bất đồng chính kiến. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền. Cũng như ở mọi quốc gia khác, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”.
Đặc xá là một trong những chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta và là truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với người phạm tội bị kết án phạt tù. Đồng thời cũng là một trong những chính sách khuyến khích người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù ăn năn hối cải, trong thời gian thi hành án tích cực học tập, lao động, rèn luyện, cải tạo tiến bộ, phấn đấu để nhanh chóng được ra tù trước thời hạn bởi chính sách đặc xá này và sẽ trở thành người có ích cho xã hội sau khi trở về đoàn tụ với gia đình, hòa nhập với cộng đồng. Vì lẽ đó, vào mỗi dịp lễ kỷ niệm lớn của dân tộc như ngày 30/4, 2/9 hay Tết Nguyên Đán, Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ trình Chủ tịch nước ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đảm bảo chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và đảm bảo dân chủ theo đúng các quy định của pháp luật (Luật Đặc xá 2007).
Tại cuộc họp báo công bố Quyết định Đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ngày 30/11/2016 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn cho biết: Từ năm 2009 đến nay, nhà nước đã thực hiện 6 đợt đặc xá (riêng 2009 có 2 đợt) tha tù trước thời hạn cho 81.795 phạm nhân và 919 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; riêng dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ có hơn 4.000 phạm nhân được đặc xá.
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi công dân, tổ chức đều phải sống và làm việc dựa trên các quy định của luật pháp; không ai được phép đặt mình ra khỏi các quy định của luật pháp; luật pháp phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới, không có ngoại lệ, không có biệt đãi, càng không thể có một hệ thống luật pháp dành riêng theo ý chí một cá nhân hay tổ chức nào đó. Việc một người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân được đặc xá chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật (Điều 3, Luật Đặc xá 2007).
Nói vậy để thấy rằng, việc một số cá nhân đưa ra bức “Thư ngỏ: về việc đề nghị giảm án, trả tự do cho tù nhân dịp Tết Nguyên Đán” nhằm vu khống, xuyên tạc trắng trợn thực trạng tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hoàn toàn là một đòi hỏi phi lý và phi pháp./.
Vô Danh