TẤM GƯƠNG HY SINH DŨNG CẢM

Lại một tai nạn hàng không liên quan đến máy bay quân sự. Lần này là máy bay huấn luyện. Xin chia buồn cùng Không quân Nhân dân Việt Nam và cảm phục tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân quên mình" của người anh hùng, Thượng sĩ học viên Phạm Đức Trung. Anh mới 22 tuổi đời, còn quá trẻ.




Aero L-39 Albatros là một chiếc máy bay huấn luyện đa tính năng được phát triển tại Tiệp Khắc để đáp ứng các yêu cầu huấn luyện, được thiết kế chế tạo từ thập niên 1960. Phiên bản mà Trung đoàn 910 (Trường Sĩ quan không quân) đang sử dụng là kiểu L-39C hay "C-39" (C là viết tắt của chữ Cvičný, tiếng Séc có nghĩa là huấn luyện). Đây là loại máy bay phản lực có 1 động cơ, có vận tốc tối đa cận âm thanh (750 km/h = 0,80 Mach), có thể cất/hạ cánh trên đường băng ngắn (530 m/600m), tầm hoạt động đến 1.000 km với trần bay tối đa 11.000 m. L-39 có thể trở thành máy bay chiến đấu hạng nhẹ với 1.290 kg vũ khí được treo trên 4 giá vũ khí gồm: Tên lửa không đối không tìm nhiệt K-13, súng máy 7.62 mm, bom không điều khiển, rocket...



Aero L-39 Albatros là loại máy bay 2 chỗ ngồi. Thông thường, khi huấn luyện, giáo viên ngồi ghế sau, học viên ngồi ghế trước. Sau khi hoàn thành các học phần bay đôi, các học viên được phép bay đơn. Thật đáng tiếc, chuyến bay đơn của thượng sĩ Phạm Đức Trung đã mãi mãi dở dang. Nhưng sự hy sinh dũng cảm quên mình của anh đã cứu được nhiều mạng người khác trên đoạn đường quốc lộ số 1 qua Đông Hòa, Phú Yên sáng ngày 26-8-2016.

Mặc dù Không quân Nhân dân Việt Nam còn sở hữu 26 chiếc L-39 Albatros (hiện còn 25 chiếc), nhưng giống như các máy bay tiêm kích huyền thoại MiG-21, các máy bay L-39 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã quá cũ và "hết cửa" để nâng cấp. Đã đến lúc chúng cần được thay thế bằng các máy bay Yakovlev Yak-130, một loại máy bay huấn luyện - chiến đấu được OKB Yakovlev của Nga và hãng Aermacchi hợp tác thiết kế chế tạo có hai động cơ Klimov RD-35, lực đẩy 21.58 kN mỗi chiếc và với nhiều tính năng ưu việt hơn.

Minh Anh 

Previous Post
Next Post