NẠN HỌP NHIỀU VÀ SỰ LÃNG PHÍ NGÂN SÁCH

Cách đây không lâu tôi từng được một người bạn du học bên Nga kể về một bức tranh châm biếm trên tạp chí Cá Sấu với dòng ghi chú rất kêu: “chúng ta vẫn còn thiếu một cuộc họp để bàn cách giảm các cuộc họp”. Hiện nay bất cứ cơ quan, tổ chức hành chính nào tại Việt Nam đều họp, họp nhiều đến mức mỗi tháng có tới 40 cuộc, ít cũng phải 30 cuộc, chỉ việc phân công đi họp đã đủ vất lắm rồi, ông Nguyễn Tiến Dũng – bộ trưởng bộ Kế hoạch Đầu tư đã nói như vậy cách đây ít hôm. Câu chuyện bình thường đến mức như cơm bữa này, lại khiến dư luận xã hội rộ lên vô số chữ “ồ”.


Bạn đọc có nick name tên Mai chia sẻ một câu chuyện hết sức phũ phàng: “Ở nơi tôi sống có 1 lãnh đạo UBND huyện nói: có lẽ phải cử 1 cán bộ thường trú ở tỉnh để chuyên đi dự các cuộc họp. Chứ không có nhiều lúc xe đi họp về lại gặp ngay xe khác của huyện đi ngược vào tỉnh để họp. Rồi các huyện khác cũng như vậy. Đi họp mà như kiểu ô tô chạy bắt khách dọc đường”.

Biết là cái chuyện họp nhiều của “giới làm quan” tại Việt Nam không người dân nào không biết. Nhưng cũng phải nói lại rằng đó là tình trạng mang một mẫu số chung ở hầu khắp các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, tổ chức từ trung ương đến cơ sở, vì thế dân có bức xúc bực dọc thì cũng cố cắn răng mà chịu đựng. Cách đây không lâu hơn 100 hộ dân của xã Tân Chi, Tiên Du, Bắc Ninh đã không khỏi sửng sốt khi mà hồ sơ xin cấp sổ đỏ của họ nộp từ năm 2011 đến năm 2016 mới có câu trả lời từ vị chủ tịch xã, trong đó có câu “hiện chúng tôi (UBND xã Tân Chi) đã, đang chỉ đạo các ban chuyên môn của xã, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, cấp sổ đỏ cho người dân trong xã một cách nhanh nhất”. Nếu ông chủ tịch này nói được câu này sớm hơn cách đây 5 năm thì người dân đâu có bức xúc, mà đến khi không vỡ lở chuyện cán bộ địa chính xã làm ăn tách trác

Chả biết các trung ương thế nào chứ ở cấp địa phương sau khi họp là không thể thiếu tiết mục “đánh chén”, có nơi họp xong là ăn, uống hát hò đến hết ngày. Hôm sau vào làm việc thì uể oải, mệt mỏi, văn bản không đọc được, ký kết cũng không, nằm “hồi sức” chờ đến 4 rưỡi chiều thì rủ nhau ra về. Dân có hỏi lý do vì sao hồ sơ của tôi bao nhiêu lâu rồi vẫn chưa được giải quyết thì thư ký hay nhân viên cơ quan đều ca một bài quen thuộc “sếp em bận, hẹn hôm sau anh chị nhé”. Chả biết hôm sau hay lại còn nhiều hôm sau nữa, chỉ biết người thiệt thòi nhất không ai khác là dân và doanh nghiệp.

Vẫn biết họp hành nhiều là vấn nạn của bệnh quan liêu, hình thức nhưng cớ sao mãi không có thuốc đặc trị bệnh này? Hãy cùng xem người dân lý giải.

Chị Bích Ngân chia sẻ: Ông sếp giỏi chỉ cần một cú điện thoại kiểm tra cấp dưới và hỏi ngay người dân là biết thực tế liền từ đó điều hành công việc đâu cần họp lên họp xuống chỉ để nghe nhiều báo cáo với số liệu ma”. Bạn đọc có nick name Thân thân lại nhấn mạnh: “Vấn đề cơ chế, sợ chịu trách nhiệm – là cốt lõi của bệnh họp nhiều. Cơ chế thành tích cá nhân, trách nhiệm tập thể nên việc họp hành nhiều âu cũng là biện pháp phòng ngừa sự sai sót, đến khi có vấn đề hoặc bị lộ thì chí ít còn có chiếc phao “tập thể đồng thuận” “liên ngành thống nhất” để bấu víu san sẻ trách nhiệm”. Có người dân thì nêu thẳng ra cách giải quyết xử lý công việc của các cơ quan hành pháp tại Việt Nam là khi có một vấn đề thì đầu tiên là hỏi ý kiến các bên liên quan, hỏi ý kiến các chuyên gia, các ngành các cấp. Mà muốn có ý kiến có chất lượng thì lại phải họp phải bàn, phải nâng lên hạ xuống kể cả khi cơ hội đã vụt qua trên thực tế.

Câu chuyện thực tế đến đau lòng của ông bộ trưởng KHĐT về bận họp quá nhiều nên nhiều chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ không hoàn thành thậm chí quá hạn tới 3 tháng vẫn sẽ là câu chuyện dài tập, vì muốn đúng quy trình tại Việt Nam thì đều phải như thế. Bằng cách này hay cách khác nếu không cắt giảm chuyện họp hành thì dân, doanh nghiệp vẫn từng ngày từng giờ nộp thuế để duy trì, mở rộng các cuộc họp của “giới quan chức”.

Nhân Thắng 


Previous Post
Next Post