LỊCH SỬ LIỆU CÓ BỊ LÃNG QUÊN?

Thế hệ 8x như tôi thì cùng lắm chỉ có mấy năm ăn cơm trộn bo bo hoặc khoai mỳ, thuở 4 hay 5 tuổi thì lâu lâu lại theo mẹ xếp hàng trước của hàng mậu dịch để lãnh gạo, nước mắm cùng những thứ gì thì tôi không còn nhớ rõ.


Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn không biết đến mùi vị của chiến tranh, bố mẹ tôi hoặc ông bà của tôi cũng ít nhắc đến chiến tranh. Mãi sau này tôi mới hiểu với những người nông dân chân lắm tay bùn thì họ yêu hòa bình đến mãnh liệt, họ sợ những mất mát, đau thương, đói khổ … mà chiến tranh mang lại.



Hồi nhỏ, tôi vẫn thấy mấy anh, mấy chú trong xóm thường hay lấy chất bột màu xám xám từ mấy quả đạn pháo to to để đi hun chuột đồng, mỗi lần đốt loại bột ấy thì khói bốc lên mù mịt và cay xè đến nỗi nước mắt giàn giụa, đã vậy còn bốc lên cái mùi khủng khiếp lắm … tôi thầm nghĩ trong những năm tháng chiến tranh thì với biết bao nhiêu cơ số bom đạn mà đất nước này hứng chịu thì nó khủng khiếp đến dường nào.

Nhiều người bảo rằng, lịch sử được ghi lại bởi phe thắng cuộc nhưng theo tôi chẳng ai làm như vậy để làm gì, những người chép sử chính trực luôn có lương tâm, họ chỉ muốn truyền lại cho hậu thế những sự kiện của năm tháng đã qua, họ muốn gửi gắm những truyền thống và hun đúc tinh thần vốn đã bất khuất trước kẻ thù của dân tộc này dành cho hậu thế.

Không chỉ riêng Việt Nam mới có chuyện chép sử, tất cả các nước trên thế giới này đều chép sử. Nói vậy để hiểu rằng chúng ta không có quyền bóp méo bất cứ sự thật lịch sử nào, vì chắc chắn tư liệu lịch sử của từng nước sẽ được góp vào kho tàng lịch sử chung của nhân loại, nếu có một nước nào đó có ý xuyên tạc lịch sử thì chắc chắn sẽ bị phát hiện ra, dù sớm hay muộn nếu có những sự kiện chưa chính xác thì chắc hẳn sẽ có sự điều chỉnh để trả về cho lịch sử những giá trị thật nhất.

Vào mùa đông năm 1969, một vài ngày sau khi đội bóng cầu dục New York Jets giành được cúp Super Bowl, một chiếc máy bay quân sự cất cánh từ phi trường ở Trạm Không lưu Hải quân Bắc Đảo đang nằm dài ra ở thành phố nghĩ mát Coronado, thuộc tiểu bang California, bên trong là anh chàng Bob Kerry và một đội súng hăng hái của anh ta, trên đường của họ để tham gia trận chiến ở Việt Nam.

Ông Bob Kerrey khi còn phục vụ trong lực lượng biệt kích SEAL thời kỳ chiến

Những biệt kích Seals (là cái tên tượng trưng cho những chữ SEa-Air-Land unitS (những đơn vị chiến đấu trên Biển, trên Không, trên Bộ). Trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng Seals Hải quân tiến hành những sứ mệnh bắt cóc hoặc ám sát, qua việc tìm kiếm để loại trừ những lãnh đạo Việt Cộng ra khỏi trong số dân cư địa phương. Những sứ mệnh này được gọi là “trừ khử”. Một đội của Seal tức là nhóm của Bob Kerrey được gọi là Trung đội Delta, thuộc Đội Hỏa lực Bravo. Chính nhóm của Bob Kerry đã gây nên cuộc thảm sát tại Thạnh Phong (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) vào ngày 25/02/1969, nguyên nhân xuất phát từ nghi ngờ có lãnh đạo Việt Cộng cao cấp đang ở xã Thanh Phong.

Bà Bùi Thị Lượm kể lại: Lúc ấy bà mới có 12 tuổi và đã được chứng kiến cảnh 7 người Mỹ mang súng tấn công ngôi làng Thanh Phong ở miền Nam Việt Nam. Họ đã quây phụ nữ và trẻ em lại thành một nhóm và nổ súng, ngay cả khi người bà của bà Lượm đã hết lời van xin.

Hơn 20 dân thường, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già, đã bị giết hại, sau chiến dịch ấy trung úy Bob Kerry khi ấy mới 25 tuổi đã được thưởng huân chương Sao Đồng (Bronze Star).

Bob Kerry làm Thống đốc bang Nebraska từ năm 1983 đến 1987, Thượng nghị sĩ Hoa Kì đại diện cho Nebraska (1989–2001). Từ khi rời Thượng viện Mỹ, ông làm Hiệu trưởng New School, một trường đại học ở thành phố New York. Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường đại học Fullbright Việt Nam.

Những nhân chứng của cuộc chiến vẫn còn đó, những vết thương chưa kịp liền sẹo nên dường như việc ông Bob Kerry được điều qua làm hiệu trưởng trường đại học Fullbright Việt Nam ngay lúc này thật trớ trêu, nó gợi nhớ lại nhiều điều khó hàn gắn và tạo những khoảng lặng trong lòng của nhiều người, những khoảng lặng đi vì nỗi cay đắng bởi chiến tranh.

Có lẽ, đành lòng lắm thì người ta sẽ tha thứ, nhưng tha thứ không đồng nghĩa với lãng quên, những người sống sót sau cuộc chiến mà nhìn những kẻ đã trực tiếp sát hại đồng bào mình như vị thánh sáng sủa đến để mang những điều may mắn đích thị là những kẻ không có lòng tự trọng, lòng tự trọng yếu kém không thể tạo nên những trang sử hào hùng của một dân tộc vốn dĩ đã bất khuất.

Kêu gọi người khác tha thứ và lãng quên là điều mà thế hệ sinh sau đẻ muộn như tôi hoàn toàn không có quyền, trừ khi tôi có những quyền năng để bù đắp lại những mất mát, đau thương mà họ đã gánh chịu, sự mất mát của họ nhắc nhở bản thân tôi nhiều điều trong sáng và góp phần tạo nên ý thức dân tộc của tôi ngày hôm nay.

Hùng Lạc

Previous Post
Next Post