Vụ nổ súng khiến 3 người được cho là chức sắc nhất nhì của tỉnh Yên Bái bị tử vong đến giờ vẫn còn nhiều bí ẩn. Rất nhiều giả thiết đã được đưa ra về nguyên nhân, động cơ, đối tượng, hành trình gây án. Càng đọc, càng phân tích, càng thấy rối loạn.
Bỏ qua những thông tin chưa có hồi đáp ấy, điều mà nhà cháu thấy lạ trong vụ việc này, đó là có vẻ dư luận thay vì đau xót, tiếc thương nạn nhân, căm phẫn hung thủ lại tỏ ra khá "lãnh đạm" trước cái chết của 3 vị quan chức. Đến mức, báo VTCnews đã phải "thốt lên", gọi nhiều hành động của cư dân mạng khi bàn về vụ việc là "vô lương". Nhưng xem chừng, bài báo có vẻ đầy nhân văn ấy cũng không giúp mọi người "thức tỉnh lương tri" như mong muốn của tác giả. Tại sao vậy?
Thứ nhất, có thể thấy, Yên Bái là tỉnh miền núi, không có gì quá "đặc biệt" để thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Vì vậy, các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh cũng ko gây được dấu ấn gì đặc biệt, ví như so với ông Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) để người ta phải có bàng hoàng, sửng sốt, thương tiếc khi mất đi.
Thứ 2, từ năm 2014 Yên Bái vướng vào "lùm xùm" khi bị báo chí phanh phui một đường dây quy mô lớn tàn phá rừng, khai thác gỗ, buôn bán lâm sản trái phép, mà nghe đồn, có liên quan, liên đới đến các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh, trong đó có 3 nạn nhân của vụ nổ súng hôm qua. Có lẽ vì thế, khi đón nhận thông tin vụ nổ súng, nhiều người đã liên tưởng ngay đến những mâu thuẫn trong làm ăn, "bảo kê" và cuối cùng là "thanh toán" khi không tìm được sự thỏa thuận. Từ đó, họ chỉ thoáng chút ngạc nhiên và tò mò tìm hiểu thay vì thương tiếc?!?
Bỏ qua những phỏng đoán trên, điều lớn nhất rút ra trong vụ nổ súng này đó là "Công tác cán bộ". Từ vụ việc đáng tiếc trên, mới thấy, việc công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tuân thủ quy trình trong bố trí, điều động, luân chuyển, sử dụng cán bộ là hết sức quan trọng. Cùng với đó, là công tác nắm tư tưởng, biểu hiện cán bộ. Trong vụ chấn động này, cán bộ bảo vệ chính trị nội bộ của Yên Bái đã chủ quan, thiếu sâu sát, thiếu sự nhạy cảm cần thiết, do vậy đã không lường trước được diễn biến, để xảy ra sự việc đáng tiếc kể trên.
Tất nhiên, ở 1 tỉnh miền núi, khá xa trung tâm, lâu lắm không phải ứng phó với những tình huống phát sinh đặc biệt, vụ nổ súng trên thật khó để đổ lỗi hoàn toàn cho chính quyền địa phương. Nhưng, nói vậy không có nghĩa là "hòa cả làng", rút kinh nghiệm rồi...để đấy. Phát súng nổ với sự ra đi của 3 người cán bộ cấp trung, cao không đơn thuần chỉ cướp đi 3 mạng người, mà còn là tiếng súng cảnh tỉnh, buộc không ít quan chức địa phương giật mình nhìn lại, thay đổi cách sống, làm việc, ứng xử. Người dân có thể không khóc cho 3 vị kia, nhưng chắc chắn đều mong muốn, sẽ không bao giờ phải nghe những phát nổ đầy oan nghiệt, xuất phát từ những mâu thuẫn, lùm xùm nội bộ giữa các vị đầy tớ của dân, từng thân ái gọi nhau bằng từ ngữ thiêng liêng: Đồng chí!
Quốc Anh