Nhận xét từ báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” hôm 23/2 tại Hà Nội cho rằng: Nhóm lợi ích đặc quyền không chỉ có ở Việt Nam, song quan hệ của nhóm này với nhà nước gắn với kết quả kinh doanh lại cao bất thường.
Các tác giả chỉ ra ba nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng đó và nó cũng đang thách thức hiệu lực quản lý của nhà nước ở Việt Nam hiện nay là:
Tình trạng tham gia quá nhiều của nhà nước vào hoạt động kinh tế, quyền lực nhà nước bị cát cứ, manh mún; Sự thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu trong bộ máy chính quyền; Sự hạn chế về trọng lượng tiếng nói của dân chúng, cũng như sự tham gia còn hạn chế của người dân trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.
Phân tích nguyên nhân thứ nhất, báo cáo cho rằng, nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế làm hình thành và ngày càng gia tăng ảnh hưởng của một tầng lớp kinh doanh ở bên trong nhà nước (thay vì đáng lẽ ra là phải nằm ngoài nhà nước). Nhà nước tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh tế trực tiếp qua các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là các tập đoàn kinh tế nhà nước, và gián tiếp qua mối quan hệ rất chặt chẽ giữa nhà nước và nhóm đặc lợi của khu vực tư nhân.
Các tác giả cho rằng sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước không có thể chấp nhận được trong một số lĩnh vực kinh tế, nhất là ở các ngành độc quyền tự nhiên (dịch vụ công ích) hoặc thâm dụng vốn (hạ tầng lớn), nhưng các ngành có thể duy trì cạnh tranh thị trường thì nên được dành cho khu vực tư nhân phát triển. Trong lúc đó, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước hiện diện ở hầu hết các ngành và lĩnh vực, kể cả các ngành như may mặc, dịch vụ điện thoại di động và ngân hàng - là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp, công ty tư nhân có thể làm tốt hơn doanh nghiệp nhà nước.
“Điều này hàm ý rằng không nên ủng hộ các đặc quyền tiếp cận nguồn lực tài chính, đất đai, các hợp đồng mua sắm của chính quyền, trợ cấp của nhà nước, và những ưu đãi về thuế hiện đang được dành riêng cho các doanh nghiệp nhà nước bởi những sự phân biệt đối xử này làm suy giảm khả năng tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước”, báo cáo viết.
Phân tích từ báo cáo cũng cho thấy, ngoài những phí tổn gây ra cho nền kinh tế, sự tham gia quá nhiều của nhà nước vào hoạt động kinh tế còn làm suy yếu hiệu lực của chính nhà nước. Và tình trạng ấy tạo động lực mạnh mẽ cho các quan chức lợi dụng thẩm quyền quản lý kinh tế, phân bổ tài chính, tài nguyên để trục lợi cho riêng mình và thân hữu của mình. Những lạm dụng kiểu đó sẽ làm xói mòn tính chính danh của các thiết chế nhà nước.
Những đánh giá trên không sai nhưng chưa chỉ ra trúng những mánh khóe, con đường lắt léo trong hình thành nhóm lợi ích đặc quyền ở Việt Nam.
Thực ra, doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sau cơn khủng hoảng đã dần lấy lại thế đứng của mình trong nền kinh tế thông qua một số hoạt động tái cơ cấu những doanh nghiệp yếu kém thông qua giải tán, cổ phần hóa, rút vốn khỏi những lĩnh vực trái nghành, nâng cao khả năng cạnh tranh công bằng, thực hiện cơ chế thị trường, công khai minh bạch... Có nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi, đóng góp lớn cho ngân sách. Không thể coi tất cả doanh nghiệp nhà nước là đồng nghĩa với nhóm lợi ích đặc quyền.
Nhóm lợi ích đặc quyền trong doanh nghiệp nhà nước chỉ hình thành khi trách nhiệm giải trình, hoạt động giám sát mất hiệu lực. Khi đó, đồng vốn công bị thao túng, bị sử dụng một cách tùy tiện không vì lợi ích công. Câu hỏi đặt ra để phản biện là, vì sao trong cùng một cơ chế quản lý, vẫn có những doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi và mở rộng quy mô.
Ở Việt Nam, vấn đề đáng lo ngại nhất là sự móc ngoặc vì lợi ích bộ phận của các chính trị gia với doanh nghiệp tư nhân. Cụm từ được dùng nhiều nhất nhưng lại không chính thức được nói đến để ám chỉ mối liên hệ này là "doanh nghiệp sân sau". Tình trạng khá phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp thường móc nối với cách chính khách để nhận được phần ưu ái, béo bở, ăn chia từ những hợp đồng, dự án thiếu minh bạch.
Doanh nghiệp càng lớn thì móc nối với chính khách càng cao. Dự án càng lớn thì sự can thiệp càng cần tới thế lực chính trị mạnh. Hầu như chẳng doanh nghiệp nào mà không cần đến sự "đỡ đầu", "đi đêm" với chính khách nào đó. Đấy mới chính là con đường hình thành "nhóm lợi ích đặc quyền" ở Việt Nam hiện nay.
Những ưu đãi về vốn, về đất đai hiện nay không còn là thế mạnh nữa vì nó đã được quản lý một cách chặt chẽ hơn. Còn những ưu đãi khi đấu thầu công trình, dự án thì rất khó kiểm soát khi có sự can thiệp của quyền lực chính trị. Bất cứ ở đâu mà chính khách không trong sạch thì lợi ích nhóm kiểu này đều có thể hình thành. Gần đây, hiện tượng doanh nghiệp "ruột" của một số chính khách đều trúng thầu những dự án béo bở ở địa phương, ngành quản lý của mình nói lên điều đó.