Mưa lớn còn kéo dài

Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan cho biết: Trận mưa ngày 26.9 tại TP.HCM và các tỉnh Nam bộ là “lịch sử và bất thường”.


Theo quy luật thông thường, mỗi mùa mưa (năm ít mưa) sẽ có 1 - 2 trận mưa lớn; những năm mưa nhiều do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina sẽ có khoảng 5 - 7 trận mưa lớn (là những trận mưa có lượng mưa từ 50 - 100 mm trong vòng 24 giờ). Nhưng chiều 26.9, chỉ trong vòng 2 giờ, lượng mưa đo được tại Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (số 8 Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM) lên đến 204 mm. “Đây là lượng mưa đo được kỷ lục, từ trước tới giờ chưa từng có, là trận mưa đặc biệt lớn và bất thường”, bà Lan nói.
Ở hầu hết các trạm khí tượng trên địa bàn TP.HCM, lượng mưa đo được đều trên 100 mm; nhiều trạm cũng lên đến gần 200 mm. Mưa lớn lịch sử cũng xảy ra ở Biên Hòa 189 mm, Trị An 122 mm; một số tỉnh miền Tây lượng mưa đo được cũng trên 100 mm như: Tiền Giang, Cà Mau.
“Đuôi” bão Megi


Dựa theo ảnh mây vệ tinh, bà Lan phân tích: Cơn bão Megi dù ở rất xa chúng ta (trên vùng bờ biển phía đông đảo Đài Loan), nhưng đây là cơn bão rất mạnh, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đến cấp 14 (150 - 165 km/giờ), giật cấp 17. Chính vì vậy mà nó tạo ra hoàn lưu bão rất rộng lớn hay nói nôm na là “đuôi” bão, bao trùm một vùng biển rất rộng và dài đến tận vịnh Thái Lan. Bên cạnh đó, một lượng mây ở ngoài biển mang hơi ẩm rất lớn bị gió mùa tây nam hoạt động mạnh đưa vào đất liền gây mưa lớn diện rộng ở cả khu vực nam Tây nguyên, nam Trung bộ và Nam bộ.
Căn cứ theo diễn biến của bão Megi và hoạt động của gió mùa tây nam, có thể thấy mưa lớn với lượng mưa trong khoảng 50 - 100 mm, trên diện rộng sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới ở khu vực nam Tây nguyên, nam Trung bộ và Nam bộ. “Tuy nhiên, có một điều khá chắc chắn là lượng mưa và địa điểm xảy ra mưa lớn ít có khả năng lặp lại như ngày hôm trước. Điều này có nghĩa là TP.HCM trong vài ngày tới vẫn có khả năng mưa lớn nhưng khó có khả năng lặp lại trận mưa lịch sử của ngày 26.9”, bà Lan nói.
Ngay trong chiều qua 27.9, TP.HCM tiếp tục xảy ra mưa lớn, tuy không khủng khiếp bằng trận mưa hôm trước.

Cảnh sát PCCC chống ngập, cứu hộ xe...
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (trung tâm) trận mưa chiều 26.9 là trận mưa lớn nhất trong 40 năm nay, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay nên một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập như: Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân...
Cũng theo báo cáo này, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có lượng mưa đạt 170,3 mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu ngập 0,3 m. Tuy nhiên, thời gian nước rút khoảng 1 giờ sau mưa, cải thiện hơn nhiều so với trận mưa ngày 26.8 do đã cải tạo xong 7 vị trí cống băng ngang đường tuyến mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước.
Báo cáo sơ bộ cùng ngày của Cảnh sát PCCC TP cũng cho biết, Cảnh sát PCCC đã nhận và xử lý 69 sự cố, cứu nạn - cứu hộ và ngập úng trên địa bàn TP. Trong đó đã kịp thời cứu được 2 người mắc kẹt thang máy tại chung cư Miếu Nổi (Q.Phú Nhuận). Cảnh sát PCCC đã điều động 63 lượt xe, 381 chiến sĩ và 70 máy bơm tham gia cứu hộ (hút nước chống ngập) tại 44 điểm. Theo đánh giá sơ bộ có 114 ô tô các loại, 1.228 xe gắn máy bị ngập nước được cứu hộ.
Tính đến 14 giờ ngày 27.9, Cảnh sát PCCC vẫn đang bơm hút nước để chống ngập tại 2 điểm là: Bãi xe trên đường Nguyễn Siêu (Q.1); Trường cao đẳng GTVT (Q.Tân Phú).
Gửi xe máy bị ngập được quyền đòi bồi thường
Theo báo cáo nhanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng. Tính đến chiều qua, Tổng công ty CP Bảo hiểm bưu điện (PTI) đã tiếp nhận và hỗ trợ cho khoảng 130 khách hàng bị tổn thất, đa phần là ô tô bị ngập nước. Toàn bộ 50 giám định viên của PTI đã hoạt động liên tục để hỗ trợ khách hàng hạn chế tổn thất. Hiện PTI chưa có thống kê về những chiếc xe bị thủy kích.
Ông Bùi Bằng Hiến, Giám đốc Ban Bảo hiểm vật chất xe cơ giới (PTI) cho biết, trong trường hợp xe bị hỏng máy, thay động cơ mức phí bảo hiểm các công ty chi trả chỉ được 80%. 20% còn lại chủ xe chia sẻ với công ty bảo hiểm theo hợp đồng đã ký kết. Với các xe bị ngập có mua bảo hiểm vật chất xe cơ giới thì chi phí cứu hộ ban đầu, mỗi xe khoảng 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng và các chi phí kiểm tra, rửa xe, tháo dầu đều được miễn phí. Nghiêm trọng và thiệt hại nặng nhất trong các trận ngập lụt là xe bị thủy kích, nước xâm nhập làm hỏng lốc máy, động cơ gây thiệt hại cho mỗi xe hạng thường bình quân vài chục triệu đồng. Với các xe hạng sang như Lexus, Mercedes, Audi lên tới hàng tỉ đồng. Cụ thể, nếu là xe KIA, Toyota... bồi thường 10 - 20% giá trị xe, còn dòng xe châu Âu như BMW, Audi... thì lên đến 70 - 80% giá trị xe.
Với xe gắn máy, theo luật sư Phạm Hoàng Sang, căn cứ theo bộ luật Dân sự, những người gửi xe máy bị thiệt hại được quyền yêu cầu nhà xe bồi thường, đền đúng giá trị thiệt hại do hiện tượng ngập nước gây ra. Nhà xe giữ xe lấy tiền 5.000 - 10.000 đồng/lần gửi xe, họ phải có trách nhiệm bảo quản, chăm sóc tài sản mà họ đã nhận gửi. Nếu có thiệt hại thì bồi thường trên cơ sở hợp lý hợp lệ. “Nhà xe bồi thường cho người gửi xe trước, sau đó quay lại công ty bảo hiểm yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường lại (trong trường hợp có mua bảo hiểm)”, luật sư Sang nói.
Theo Thanh Niên

Previous Post
Next Post