Trong vụ án VN Pharma, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM cho rằng việc không chấp hành lệnh của tòa án là hành vi xem thường pháp luật.
Hàng chục năm tham gia xét xử các vụ án hình sự và làm công tác quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) chia sẻ: Trong quá trình xét xử, rất nhiều vụ tòa ký giấy triệu tập nhưng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cương quyết không đến tòa, né tránh thư triệu tập thì buộc lòng tòa phải ra lệnh áp giải đến tòa. Việc áp giải người có nghĩa vụ liên quan nhằm giúp cho vụ án được làm sáng tỏ hơn.
Trong trường hợp họ né tránh thì tòa sẽ tác động cơ quan chủ quản, nơi người có nghĩa vụ liên quan công tác yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Còn trường hợp căng thẳng hơn thì yêu cầu công an dùng xe chuyên dụng áp giải đến tòa.
Trong vụ án của Công ty VN Pharma, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng việc không chấp hành lệnh của tòa án là hành vi xem thường pháp luật.
Các bị cáo vụ VN Pharma
Một chuyên gia luật nhận định có thể tòa sẽ tuyên hủy án để điều tra lại hoặc khởi tố tội danh mới nên việc lãnh đạo Cục Quản lý dược có mặt hay không cũng không quan trọng. Sau này, cơ quan điều tra sẽ làm việc với những người này nếu vụ án bị hủy án hoặc khởi tố thêm tội danh mới. Điều đáng nói là những người đại diện Bộ Y tế đến dự tòa đều trả lời vòng vo, quanh co, một số người nói rằng không biết chuyên môn. Riêng Cục trưởng Cục Quản lý dược kiêm thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thì vắng mặt, không rõ lý do.
Trong suốt 4 ngày xét xử phúc thẩm, HĐXX và 2 đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM 6 lần tỏ thái độ không hài lòng với Bộ Y tế cũng như lãnh đạo Cục Quản lý dược. Trong phiên xử sáng 19-10, mặc dù tòa đã triệu tập nhưng đại diện Bộ Y tế không đến. Đến chiều cùng ngày, ông Giang Hán Minh – Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực tham nhũng mới tham dự. Tuy nhiên, sự có mặt của ông Giang Hán Minh như màn “diễn hài” đã gây thất vọng cho đại diện VKS.
Câu nào ông Minh cũng từ chối trả lời
Khi đại diện VKS đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc cấp phép lô thuốc H-Capita 500mg Caple cũng như 7 bộ hồ sơ của 7 loại thuốc khác lấy tên Helix Canada đã được Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký lưu hành ông Giang Hán Minh chỉ nói một câu duy nhất: “Xin không trả lời, ghi nhận và báo cáo lãnh đạo bộ”.
Hai ngày xử tiếp theo đại diện Bộ Y tế cũng vắng mặt mà không có lý do.
Tương tự, mặc dù tòa đã có thư triệu tập để làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến cấp phép nhập khẩu, cấp phép hoạt động cho công ty “ma” nhưng cục trưởng và cục phó Cục Quản lý dược vẫn không đến tòa.
Về sự vắng mặt không rõ lý do này, đại diện VKS đã yêu cầu tòa cần có biện pháp cứng rắn hơn vì đã thể hiện sự không nghiêm túc với các cơ quan tố tụng.
Vào ngày cuối cùng của phiên tòa phúc thẩm, khi được tòa thẩm vấn, bà Phạm Thị Ngân Hạnh, Phó trưởng Phòng Quản lý kinh doanh dược thuộc Cục Quản lý dược không trả lời được. Lúc này, ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế giải cứu bà Hạnh bằng cách đứng sau “nhắc tuồng” khiến những người tham dự phiên tòa tỏ thái độ khó chịu.
Phó Vụ trưởng đứng sau “nhắc tuồng” cho phó trưởng phòng.
Khi được hỏi về quy trình cấp phép cho công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng như quy trình cấp phép nhập khẩu thuốc, tất cả những cán bộ có trách nhiệm tại Cục Quản lý dược đều trả lời cùng một ý là tin tưởng doanh nghiệp, tin tưởng giấy tờ doanh nghiệp nộp lên, đưa sao xem vậy chứ không kiểm chứng, xác thực.
Trong khi đó, tòa nhiều lần công bố Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC); Giấy chứng nhận thực hành tố sản xuất thuốc (GMP) của Canada được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đều là giấy tờ giả do Võ Mạnh Cường làm ra nhưng cán bộ Cục Quản lý dược tỏ ra không quan tâm đến chuyện tầy trời này.
Cán bộ Cục Quản lý dược nhiều lần trả lời đó không phải là chuyên môn của mình nên từ chối trả lời.
Chưa hết, trong số 10 chuyên gia tham gia hội đồng thẩm định để cấp phép nhập khẩu lô thuốc đặc trị ung thư thì có 3 chuyên gia không ký tên thuốc đạt hay không đạt, không ký tên nhưng ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế vẫn khẳng định đúng quy trình; hồ sơ thẩm định không ghi ngày tháng ông Hưng bảo chỉ “sai chút chút”.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế bảo rằng cấp phép là đúng quy trình !
Dư luận đang chờ câu trả lời của các cơ quan tố tụng, ai đã tiếp tay nhập thuốc ung thư giả?
Bài và ảnh: Phạm Dũng