Đây không phải là chuyện cây cầu hay chiến tuyến trong “Chiến tranh vệ quốc vĩ đại” đã chia những người chiến sĩ Hồng quân Liên Xô thành những người sống và những người chết mà đại văn hào Liên Xô Konstantin Simonov đã đề cập đến trong tiểu thuyết của ông mà là chuyện ở Việt Nam chúng ta ngày nay. Ngay bây giờ và ngay lúc này !
Liên tiếp trong hai tháng cuối mùa hè dài nhất trong gần hai chục năm qua, Việt Nam phải hứng chịu 2 cơn bão lớn và 3 cơn áp thấp nhiệt đời đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc. Sau cuồng phong là mưa lớn, sau mưa lớn là lũ lụt, sau lũ lụt là dịch bệnh. Đây là quy luật lặp đi lặp lại của thiên tai từ hàng vạn năm nay.
Thiệt hại về người (chết và mất tích) trong những đợt bão lũ muộn trong năm nay đã vượt qua số lượng thiệt hại do bão lũ của cả năm 2016 và cùng kỳ năm 2009. Trong đó, Hòa Bình 39 người, Yên Bái 28 người, Thanh Hóa 13 người, Sơn La 8 người, Nghệ An 7 người, Thừa Thiên Huế 2 người, các nơi khác 5 người. Thiệt hại về vật chất là 45.177 căn nhà bị ngập, 221 căn nhà bị phá hủy, 2.298 hộ dân phải di dời khẩn cấp, hàng vạn héc ta lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tác giả của những dòng này lo ngại rằng đó chưa phải là con số cuối cùng bởi Cơn bão số 11 dù đã suy yếu nhưng khả năng gây mưa khi nó tan ngay trên cửa Vịnh Bắc Bộ là rất lớn.
Đỉnh lũ trên một số con sông ở Bắc Bộ và Bức Trung Bộ đã cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1985 nên với tổng lượng mưa được dự báo cho vùng này là 50 đến 100 mm, riêng phía Đông có nơi trên 150 mm. Do mưa lớn kéo dài gần như suốt tháng 8 và tháng 9 nên nhiều con đê đã “no nước” nên nếu lượng mưa lớn như mức dự báo thì hậu quả lũ lụt đối với Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh sẽ rất nặng nề.
Trong khi đồng bào, chính quyền, quân đội, công an các vùng bị bão lũ căng mình chống chọi với thiên tai, cố gắng cứu vớt lấy những gì có thể cứu vớt được, cố gắng giành giật những thứ mà thiên tai có thể cướp đi, kể cả mạng sống của con người thì lại có những tiếng nói lạc lõng từ đám truyền thông bất lương. Trong khi ngành truyền thông cả nước đang hướng về những tâm bão, những đỉnh lũ nhằm thông tin cho đồng bào cả nước biết về tai họa để phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách, nhường cơm sẻ áo giúp bà con vùng lũ vượt qua khó khăn thì lại có những kẻ bất lương mở miệng ra là rêu rao trên mạng về những chuyện vụn vặt, chấp khẩu, bẻ chữ nhằm bêu riếu chế độ. Đó là chuyện về phát ngôn của ông Đỗ Đức Thịnh, Chỉ cục trưởng Chi cục đê điều Hà Nội khi ông này nói về việc buộc phải cho tràn có kiểm soát đê hữu ngạn sông Bùi.
Ngày 15-10-2017, trên đường đi công tác Thượng tá Cao Đăng Cường, Chính trị viên Đồn biên phòng 503, Lang Chánh, Thanh Hóa cùng người lái xe của mình là Đại úy Nguyễn Thành Chủng đã bị nước lũ cuốn trôi, hiện đang mất tích. Ở Thanh Hóa, Ninh Bình và nhiều nơi khác, các chiến sĩ Công an Nhân dân đã nhiều ngày nay ngâm mình trong lũ để cứu dân.
Trong tháng 9 và tháng 10, ngành báo chí mất đi hai phóng viên giỏi và dũng cảm. Đầu tháng 9-2017, Nhà báo Nguyễn Đình Quân, một người gắn bó máu thịt với Trường Sa, phóng viên thường trú của báo Tiền Phong tại Nha Trang khi xuống Cầu Đá tác nghiệp đã mất trong một tai nạn giao thông. Và ngày 14-9-2017, phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam Đinh Hữu Dư đã hy sinh tại Cầu Thia, Nghĩa Lộ khi đang ghi hình dòng lũ dữ. Họ đã ra đi, nhưng tên tuổi và tấm gương sống chết với nghề, với sự nghiệp của họ thì vẫn còn mãi.
Trong khi có những chiến sĩ quân đội, công an, những phóng viên đã không ngại dấn thân vào chốn hiểm nguy để cứu giúp người dân, đưa tin trung thực và chính xác về tình hình phòng chống bão lũ, thiên tai và cứu hộ cứu nạn thì đã có không ít những nhà báo bất lương, lợi dụng chức trách của mình để trục lợi
Cùng trong khoảng thời gian ấy, phòng viên Nguyễn Mạnh Chiến công tác tại tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống thuộc trung ương Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam bị bắt về tội tống tiền Cảnh sát giao thông Đắc Lắc. Một tháng trước đó, phóng viên Phạm Lê Hoàng Uyển là Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập - thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam cũng bị bắt về tội tống tiền doanh nghiệp ở Cần Thơ và nhà báo Nguyễn Thế Thắng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên đã bị lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ, để điều tra làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Một vật đen đặt bên cạnh một vật trắng, ta sẽ thấy nó đen đến mức nào và ngược lại. Tên tuổi của những người dã cống hiến hết mình cho sự nghiệp sẽ còn được ghi nhớ mãi mãi và họ sẽ sống mãi trong lòng nhân dân.
Còn tên tuổi những kẻ chỉ vì lợi riêng mà phá hoại sự nghiệp chung sẽ sớm bị quên đi. Chúng tuy còn sống, còn ăn uống, hít thở và bài tiết; nhưng người đời sẽ coi chúng như đã chết.
Đó là câu chuyện hôm nay về NHỮNG NGƯỜI SỐNG VÀ NHỮNG NGƯỜI CHẾT.
Ảnh 1: Nhà báo Nguyễn Đình Quân.
Ảnh 2: Phóng viên Đinh Hữu Dư.
Ảnh 3: Thượng tá Cao Đăng Cường.
Ảnh 4-5; Lực lượng Công an nhân dân giúp dân chạy lũ.