Nền kinh tế ngày càng đa dạng và mau phục hồi của Việt Nam đã tăng trưởng ở tốc độ bền vững - trên 6%/năm trong hai năm qua và được dự báo sẽ giữ được vị trí là quốc gia Đông Nam Á phát triển nhanh nhất trong năm nay.
“Màn trình diễn” ấn tượng
Trong khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,21% năm 2016, các quốc gia ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore có tốc độ tăng trưởng chậm hơn như là hệ quả của sự suy thoái thương mại toàn cầu và sự tăng trưởng chậm của Trung Quốc. Việt Nam không chỉ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực mà còn đứng thứ hai trong danh sách những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ - quốc gia duy nhất đạt được tốc độ tăng trưởng 7% trong năm 2016.
Theo Bloomberg, “màn trình diễn” về kinh tế đáng kinh ngạc của Việt Nam được phản ánh trong số liệu cuối năm được thu thập bởi các nhà dự báo kinh tế hàng đầu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân tăng khoảng 9% tới mức kỉ lục 15,8 tỷ USD trong năm 2016; lĩnh vực chế tạo tăng 13,61% kể từ cuối năm 2015. Nhập khẩu tăng 4,6% trong khi xuất khẩu tăng 8,6%, đóng góp cho thặng dư thương mại khoảng 2,68 tỷ USD.
Có nhiều lý do dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt trong tương quan với các quốc gia ASEAN khác.
Một là, khả năng phục hồi của thương mại Việt Nam có thể xuất phát từ sự đa dạng của nền kinh tế - xét về phạm vi các loại hàng hóa được sản xuất và các quốc gia điểm đến của hàng xuất khẩu. Hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn bao giờ hết và nhanh chóng mở rộng xuất khẩu sang lĩnh vực chế tạo và điện tử, giảm sự phụ thuộc nặng nề trước đây vào xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Hai là, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn do dân số tăng trưởng nhanh chóng (khoảng 91 triệu người) và cơ cấu dân số trẻ với lực lượng lao động đông đảo, bao gồm lao động lành nghề và lao động giản đơn. Vị trí địa lý của Việt Nam cũng là nhân tố quan trọng, với đường bờ biển dài cho phép thương mại hàng hải tự do với các quốc gia lân cận và bên ngoài khu vực.
Ba là, lao động và chi phí sản xuất ở Việt Nam luôn ở mức thấp - đặc biệt khi so sánh với người hàng xóm khổng lồ ở phía Bắc, Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy sản xuất, vì Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và là cơ hội sinh lời cho các công ty đa quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều công ty đã áp dụng chiến lược "Trung Quốc cộng một" trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa hoạt động của mình ở Đông Á và hơn bao giờ hết, các công ty quốc tế đang chọn Việt Nam là số “một” đó.
Khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu
Trong khi sự tăng trưởng của Việt Nam đang tăng tốc trong những năm gần đây, đây không phải là hiện tượng mới: Nền kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao trong hàng thập kỷ, kể từ khi mở cửa sau Đổi Mới vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Những cải cách kinh tế thị trường được áp dụng nhằm đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói sau khi cảnh quan bị hủy hoại, cơ sở hạ tầng bị tàn phá bởi chiến tranh kéo dài.
Trong những năm sau chiến tranh, Việt Nam phải vật lộn để hồi phục, hứng chịu lạm phát cao và trình độ sản xuất thấp. Sự phục hồi của Việt Nam cũng bị ngăn trở do sự cô lập về ngoại giao khiến các cơ quan đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) từ chối viện trợ cho Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước. Lệnh cấm vận thương mại kéo dài 20 năm của Mỹ cũng làm suy giảm tiềm năng thương mại của Việt Nam với thế giới.
Sự thay đổi tình thế bắt đầu vào năm 1986, khi Việt Nam áp dụng ý tưởng kinh tế thị trường trong khi vẫn kiên trì những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Đầu tư nước ngoài và kinh doanh tư nhân được khuyến khích, mở ra thời kì mới của kinh doanh và tự do hóa kinh tế.
Việt Nam nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Đến năm 1995, Việt Nam hồi phục mạnh mẽ: quan hệ ngoại giao với Mỹ được khôi phục, các nhà tài trợ đa phương bắt đầu cung cấp những khoản viện trợ phát triển lớn. Mức độ nghèo đói từ đó giảm đáng kể, trong khi việc cung cấp dịch vụ triển khai trên phạm vi cả nước, bảo đảm cơ hội tiếp cận với giáo dục và chăm sóc y tế của người dân Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và phát triển mạng lưới điện hiện đại bao trùm 90% diện tích quốc gia. Ngành du lịch cũng cất cánh và mở rộng, tạo cơ hội mới và nguồn thu nhập cho hàng triệu người Việt Nam.
Những thành tựu trên đây báo hiệu sự chuyển đổi thành công từ một quốc gia thu nhập thấp thành thu nhập trung bình, đồng thời khẳng định được vị thế của Việt Nam như một thành viên chính thức của nền kinh tế hội nhập toàn cầu - nền kinh tế mà Việt Nam đã tận dụng lợi thế trong những năm gần đây.
Hiện tại, sự phát triển thần kì của kinh tế Việt Nam không thể hiện bất kì dấu hiệu nào của sự chững lại. Trong 40 năm qua, Việt Nam đã trải qua sự biến đổi đáng kể từ một nước đang phát triển bị chiến tranh và nghèo đói tàn phá, thành một nền kinh tế đa dạng và có sức bật tốt ở khu vực Đông Nam Á.
Sự ổn định chính trị cũng khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, đưa Việt Nam vào vị trí thuận lợi để giữ vững danh hiệu quốc gia Đông Nam Á phát triển nhanh nhất trong năm 2017 và xa hơn nữa.