Nghĩ về sự lộng quyền của báo chí

Từ xưa đến nay, báo chí vốn được coi là một cơ quan quyền lực thứ tư. Ở Việt Nam ta cũng vậy, mặc dù trong tất cả các văn bản pháp quy thì chẳng ai cho là như vậy. Quyền lực thứ tư là được hiểu theo tính chất của báo chí.
aa
Không ít giám đốc các doanh nghiệp, kể cả Nhà nước và tư nhân đã từng phải dở khóc, dở mếu, thậm chí có những nơi khuynh gia bại sản về một vài bài báo đăng về đơn vị mình sai sự thật. Cũng không ít giám đốc đã từng nhận các cú điện thoại, đầu tiên là phóng viên nói nhã nhặn, tử tế rồi thông báo rằng có tài liệu tiêu cực về đơn vị và sẽ đăng vào số báo tới, nhưng rồi sau đó họ chuyển giọng và đề nghị xin quảng cáo. Nếu gặp phải vị giám đốc nào rắn mặt thì có khi phóng viên nọ còn nói: “Có quảng cáo không thì bảo?”. Có những bài báo bới móc đời tư cá nhân, réo “tam tứ đại đồng đường” nhà người ta ra chửi, rồi đến khi thấy sai thì không đính chính và “nói lại cho rõ”… Rồi không ít bài báo được viết bịa đặt, xuyên tạc sự thật đã gây hại cho cả một vùng quê, một ngành nghề.
Có thể nói trong thời buổi hiện nay, đúng là báo chí đang dần dà trở thành cơ quan quyền lực thứ tư, mặc dù báo chí Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Do có quyền lực mà lại thiếu những chế tài cụ thể, cho nên không ít tờ báo ở Việt Nam đã có những biểu hiện nghiêm trọng về việc lạm quyền là viết sai sự thật, viết xâm phạm đời tư cá nhân và sau đó viết sai thì không đính chính.
Luật Báo chí cũng đã quy định là cấm báo chí được xâm phạm đời tư cá nhân, nhưng thế nào là đời tư, đời tư cá nhân gồm những cái gì thì chẳng có quy định nào cả. Hoặc ví dụ, Luật có ghi “vụ án đang trong quá trình điều tra, xét xử thì Cơ quan điều tra, tố tụng có quyền không cung cấp tài liệu, còn báo chí nếu có tài liệu đăng thì phải chịu trách nhiệm”. Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ án đã được các cơ quan điều tra, tố tụng “tuồn” tài liệu cho báo chí và dùng báo chí để gây áp lực lên dư luận. Lịch sử Tư pháp Việt Nam gần đây đã có không ít vụ mà việc điều tra, xét xử được “báo chí định hướng”.
Nhiều giám đốc các doanh nghiệp đều cho rằng, báo chí là một kênh thông tin rất quan trọng và những bài báo tốt, phản ánh trung thực hoạt động của đơn vị đã có tác dụng cổ vũ, động viên và giúp doanh nghiệp hoạt động tốt.
Và thực tế, chẳng có doanh nghiệp nào “dại dột” lại đi “gây sự” với báo chí cả. Ai cũng muốn báo chí đồng hành cùng với mình và doanh nghiệp và báo chí là bạn bè. Doanh nghiệp, trong quá trình hoạt động của mình, chắc chắn không ít những việc làm chưa đúng (mà cũng chẳng thể đúng được hết bởi chúng ta vẫn còn sử dụng quá nhiều các quy định về tài chính, kế toán, về sản xuất kinh doanh từ thời… bao cấp; vẫn đang phải áp dụng quá nhiều văn bản pháp quy lạc hậu với thời cuộc), nhưng điều mà các doanh nghiệp mong muốn ở nhà báo là hãy phản ánh hoạt động của đơn vị họ một cách trung thực, đừng suy diễn, và nếu có phê phán thì cũng phải trên tinh thần xây dựng. Còn mà phê phán doanh nghiệp theo kiểu “nói lấy được” hoặc như “bát nước hắt đi” thì quả thật đành phải nói câu “đừng dây với nhà báo”.
Gần đây có tình trạng phóng viên bịa đặt phỏng vấn, hoặc cắt xén câu chữ trong trả lời đã làm sai lệch toàn bộ vấn đề mà người phỏng vấn đã trả lời. Xin dẫn câu chuyện của Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Khi ông về hưu, Công an TP Hà Nội tổ chức một buổi liên hoan để chia tay ông. Là người đa cảm, nên khi phát biểu, ông Phạm Chuyên đã nói trong nghẹn ngào: “Khi tôi về hưu thì tôi sẽ không bao giờ quay trở lại Công an thành phố nữa – Ông dừng lại như thể nuốt nước mắt vào lòng rồi nói tiếp – Bởi vì mỗi gốc cây, mỗi căn phòng, mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đây đều gợi cho tôi những kỷ niệm mà không thể nào quên”.
Lời nói của ông được một vài báo tường thuật lại nhưng không hiểu do vô tình hay cố ý mà họ cắt xoẹt phần sau, chỉ đưa phần đầu. Thế là anh em Công an Hà Nội đều bức xúc nói: Từ trước đến nay ăn ở với giám đốc có đến nỗi nào đâu mà bây giờ giám đốc nói như thế.
2917_getarticleimage
Tất nhiên, rồi sau mọi người cũng hiểu là Thiếu tướng Phạm Chuyên không nói vậy nhưng có phải ai cũng được nghe lời giải thích đâu.
Mới đây nhất, có phóng viên còn dám bịa ra rằng đã phỏng vấn một sĩ quan trực ban của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 3 về hoạt động huấn luyện của Hải quân.
Người viết bài này cũng từng bị “trả lời” một cuộc phỏng vấn “tưởng tượng” của phóng viên, mà không biết mình đã gặp phóng viên này ở đâu, lúc nào? Và ngạc nhiên hơn nữa, là nội dung bài phỏng vấn thì nghe “quen quen”. Hóa ra là ả phóng viên nọ đã cóp nhặt từ nhiều bài báo mà tôi đã viết, đã trả lời rồi “mông má” thành một bài phỏng vấn hoàn chỉnh? Thế mới sợ chứ!
Nói về nghề làm báo, Tổng thống Mỹ Kennedy có câu rất hay: “Nghề viết báo là nghề phóng viên viết một nửa những điều mình không biết và phải che giấu một nửa những điều mình biết”. Còn người Mỹ thì nói về phóng viên như thế này: “Phải tránh xa con bò 3m; tránh xa thằng say 30m và phải tránh xa thằng nhà báo 300m”.
Còn ở Việt Nam ta, có một vị lãnh đạo tài năng và uy tín bậc nhất đã từng phải cay đắng thốt lên rằng: “Đừng cãi nhau với báo chí. Cãi với báo chí không khác gì ngửa mặt lên trời nhổ nước bọt!”.
Nghe thật buồn và đau đớn làm sao.
Nhưng chúng ta hãy cảm ơn, tôn vinh những nhà báo chân chính, nhưng cũng phải biết nhìn thẳng vào sự thật về một bộ phận không nhỏ nhà báo và tờ báo đã có những bài báo, những việc làm gây tổn hại cho thanh danh nghề báo.
Theo Như Phong/PetroTimes

Author:

Previous Post
Next Post