Cứ đến dịp kỷ niệm những sự kiện lớn của dân tộc thì các lực lượng thù địch trong và ngoài nước lại tìm cách xuyên tạc, bóp méo lịch sử hòng chuyển hóa chế độ xã hội ta sang con đường “dân chủ”, “nhân quyền” ngoại nhập. Gần đây những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn với thời cuộc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tăng cường hoạt động chống phá chế độ.
“Đón lõng” sự kiện Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, một số người đã tung lên mạng bài viết xuyên tạc về cuộc Cách mạng tháng Tám và bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong đó có người vốn đứng trong hàng ngũ cách mạng (nay đã từ bỏ Đảng), có học hàm, học vị…
Tự cho mình là người am hiểu lịch sử, “tôn trọng sự thật”, có bài của vị giáo sư “biên tập” lại rằng, đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 11-3, vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, lập Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu. Ngày 17-8, chính quyền Hà Nội (thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim?!!!) tổ chức mít tinh, treo cờ quẻ ly… Từ đó bình luận: Cuộc mít tinh này đã bị người của Việt Minh “cướp đoạt”, “giương cờ đỏ sao vàng” và “kêu gọi đi theo Việt Minh”…
Về chuyện “có đánh Pháp”, “đuổi Nhật” trong cuộc cách mạng này không, vị này viết: “Trên 70 năm qua, nhiều người Việt vẫn tin và khẳng định rằng Việt Minh (có đánh Pháp, đuổi Nhật) thì “thực tế lịch sử đã chỉ ra rõ ràng là không đúng” và “trong thời gian diễn ra Cách mạng tháng Tám, Việt Minh không hề đánh một đơn vị Pháp nào, không hề đuổi một đơn vị Nhật nào…”.
Để kết luận, họ viết: “Từ tháng 4-1945 và đặc biệt từ sau 15-8, nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập. Cách mạng tháng Tám chỉ làm một việc duy nhất là cướp chính quyền để thay đổi chế độ và bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là bản tuyên ngôn lần thứ hai, sau tuyên ngôn của Bảo Đại”.
Diễn biến, bản chất, ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã được sử sách ghi rõ với những chứng lý, tư liệu khách quan của lịch sử. Đó là giá trị thiêng liêng, niềm tự hào của người Việt Nam ở bất cứ đâu. Việc nhân những sự kiện trọng đại như vậy để viết lại, xuyên tạc lịch sử là hành động vừa thể hiện tư duy chính trị ấu trĩ và nhân cách, đạo đức giả của những kẻ phản bội dưới cái mác tri thức. Vấn đề đặt ra ở đây là:
Thứ nhất, một số người lập luận rằng, đã là cách mạng, mà ở đây là Cách mạng tháng Tám thì phải đánh nhau, hai bên phải đổ máu mới là cách mạng! Nhận thức như vậy là ấu trĩ bởi lẽ, mục đích của các cuộc cách mạng là giành chính quyền. Giành được chính quyền mà không đổ máu là phương thức tốt nhất của mọi cuộc cách mạng, kể cả không làm đổ máu kẻ thù. Một trong những giá trị vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là điểm này. Đó là một cuộc cách mạng giành chính quyền trong cả nước, trong khi vẫn hiện diện quân đội Pháp và phát xít Nhật mà không có xung đột vũ trang, không đổ máu cho dù là của những lực lượng chính trị nào.
Cách mạng tháng Tám tuy không đổ máu nhưng là một cuộc cách mạng bạo lực, bạo lực chính trị. Bạo lực đó chính là ý thức chính trị của toàn dân, là sự đoàn kết của toàn dân tộc được tập hợp lại trong các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc… trong Mặt trận Việt Minh. Đó là các cuộc mít tinh biểu tình rầm rộ trong cả nước, chưa kể đó còn là sự hiện diện và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang-du kích, tự vệ ở nông thôn và thành thị.
Cách mạng tháng Tám không đổ máu còn vì sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chớp thời cơ “Pháp chạy, Nhật hàng”, nổi dậy giành chính quyền trước khi quân đội đồng minh hiện diện. Nếu cuộc cách mạng chậm lại, khi quân đội đồng minh (trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô) kéo vào thì Việt Nam phải chấp nhận trở thành một quốc gia ủy trị theo sự quyết định của đồng minh (do Mỹ, Anh, Pháp chi phối).
Thứ hai, một số người viết bài phủ nhận Cách mạng tháng Tám, nói rằng trước thời điểm 19-8 và 2-9 đã có chính phủ Trần Trọng Kim và Tuyên ngôn độc lập của Bảo Đại. Nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận hiện đại đều thấy rằng, Cách mạng tháng Tám 1945 đã được Đảng cộng sản Việt Nam chuẩn bị từ Cương lĩnh chính trị năm 1930.
Trước Cách mạng tháng Tám, Việt Nam đã trải qua 3 cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương – nay là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931; phong trào dân chủ Đông Dương 1936-1939; phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945. Trong thời kỳ này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị về mọi mặt, từ khẩu hiệu đấu tranh đến tổ chức lực lượng vũ trang và hệ thống chính quyền ở các vùng căn cứ trên cả nước.
Đặc biệt là sự ra đời lực lượng vũ trang và thành lập Ủy ban giải phóng Dân tộc (đồng nghĩa với Chính phủ cách mạng lâm thời). Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, Đảng bám sát tình hình, chỉ đạo kịp thời, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.
Sự ấu trĩ hay thủ đoạn chính trị của những người đòi “viết lại lịch sử”, phủ nhận Cách mạng tháng Tám là ở chỗ, họ cố tình lắp ghép những vấn đề, sự kiện khác vào một cách ngô nghê. Chẳng hạn, họ suy diễn vào “lòng tốt” của phát xít Nhật (thực tế Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp cuối năm 1944, đầu 1945 làm chết hơn 2 triệu người dân miền Bắc Việt Nam).
Đồng thời sùng bái ngai vàng của Bảo Đại mà cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim là đại diện cho dân tộc Việt Nam, dẫn tới nhận thức ngờ nghệch, coi phát biểu của Bảo Đại là “Tuyên ngôn độc lập”! Nhận thức ngô nghê như vậy mà vẫn cho mình là bậc “tri thức” với những danh hão rồi viết bài xuyên tạc, cổ súy trên mạng.
Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 với Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những sự kiện lịch sử vĩ đại, cũng là 2 giá trị cao cả bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là những giá trị lịch sử có ý nghĩa thời đại, không cho phép bất kỳ ai, dưới danh nghĩa nào, không thể mượn cớ đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền” để bôi đen, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử. n
TS. Cao Đức Thái, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh