Công an nhân dân là một trong những lực lượng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội. Tuy nhiên, không biết từ đâu, không biết từ khi nào mà hình ảnh người chiến sĩ công an trong mắt không ít người đã trở nên “lem luốc”, “xấu xí”. Nhắc đến công an, nhiều người không cần suy nghĩ mà sẵn sàng buông ra những lời chê bai một cách phũ phàng. Và cũng không biết do đâu mà công an lại trở thành cái đích để nhiều người công kích, tấn công.
Nếu như giáo viên có ngày 20/11, bác sĩ có ngày 27/2 thì lực lượng công an nhân dân có ngày 19/8 để kỷ niệm, vinh danh lực lượng. Trong không khí những ngày tháng 8 này, tôi muốn mọi người hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những người chiến sĩ công an.
Những ngày qua, cư dân mạng sôi sục các vấn đề về giáo dục, thi cử, tham nhũng; về thiên tai, bão lũ ở Yên Bái… Nói đến đây, nhiều người sẽ thấy nó chẳng liên quan gì đến chủ đề về công an nhân dân như tiêu đề bài viết. Nhưng không, tất cả đều có những mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Nhắc đến thi cử, người ta nghĩ đến những cô cậu học sinh 30 điểm mà vẫn chưa đỗ vào một Học viện công an. Để rồi sau đó, không ít người gièm pha: “Mấy trường công an thì có gì tốt mà đua nhau đâm đầu vào” hay “người đàng hoàng ai lại làm công an”.
Nói đến mưa lũ ở Yên Bái, tôi không khỏi cảm thấy xót xa về hình ảnh các chiến sĩ công an nằm “vạ vật” trong quá trình giúp đỡ những bản làng bị thiệt hại. Nếu những lực lượng khác, như sinh viên, bộ đội hay bác sĩ trong bối cảnh như vậy thì cộng đồng mạng không tiếc lời “khen lấy khen để”, thì với sự xuất hiện của công an, không ít người sẵn sàng đả kích: “Nhiệm vụ của chúng nó là vậy, có gì mà phải tuyên dương, khen ngợi’”.
Phải chăng, một số người trong chúng ta đang có những ác cảm đối với lực lượng công an. Điều đó có thực sự công bằng?
Sự hy sinh thầm lặng
Mua danh ….bao vạn?
Người ta nói “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Tuy nhiên, với lực lượng công an thì không biết bao nhiêu vạn mới có thể mua được chữ “danh”. Danh ở đây không phải là cái hào quang bóng bẩy bên ngoài. Nó là sự công nhận, sự thừa nhận của người dân với những chiến sĩ công an.
Là một người bên ngoài, khi nhìn vào một chiến sĩ công an, có thể bạn sẽ thấy họ “nghiêm túc đến đáng ghét”. Cái mặt thì lúc nào cũng “vênh vênh”, không bao giờ cười đùa vui vẻ. Cái mắt thì nhìn vào người ta mà không thấy một chút xíu nào tình cảm. Có thể nói, nhìn vào công an chỉ thấy toàn sự đáng ghét. Nhưng, đã bao giờ bạn hỏi vì sao họ vậy chưa? Nếu bạn phải đứng nghiêm hàng tiếng đồng hồ trong quá trình tập điều lệnh dưới trời nắng gắt thì bạn sẽ hiểu vì sao mặt họ lại như vậy. Nếu bạn phải theo dõi đối tượng suốt nhiều ngày liền thì sẽ không khó để có “đôi mắt cú vọ” khi đánh giá một người. Và nếu bạn phải làm việc trong những hiện trường đẫm máu thì có lẽ, bạn cũng không thể dễ dàng cười đùa như các chú công an. Tôi đã từng đọc một câu rất hay của Nhà văn Nam Cao, đại ý là: “đối với những người xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, xấu xa, bỉ ổi và ngu ngốc, toàn những cớ để ta ghét họ”.
Cũng như bao nghề khác, công an cũng là một công việc. Nhưng khác nhau ở đây là công an làm việc nhiều với tội phạm và hình phạt, công an tiếp xúc nhiều với dân khi thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước, công an thường nhân danh quyền lực Nhà nước để xử phạt những người vi phạm trong lĩnh vực mà mình quản lý. Từng ngày, từng giờ các chiến sĩ công an vẫn phải đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân. Nhưng cái họ nhận được là ánh mắt nghi ngại, là sự chán ghét trong nhiều người dân. Có lẽ, đây là điều buồn nhất của người chiến sĩ, khi mà nghề nghiệp của mình chưa nhận được thiện cảm của người dân.
Các chiến sĩ công an giúp dân
Công an, máu, hoa và nước mắt
Khi đặt bút viết những dòng mày, mục đích của tôi không phải là để kể lể, tìm sự thương hại của người dân với lực lượng công an. Mong muốn của tôi là thông qua những chia sẻ này, mọi người sẽ có cách đánh giá cũng như cái nhìn đúng hơn về lực lượng công an.
Là công an, nghĩa là bạn sẽ phải trực, gác vào cuối tuần, ngày lễ, ngày tết. Là công an, nghĩa là bạn phải sẵn sàng chấp hành lệnh cấp trên không kể ngày hay đêm. Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng, và khi xác định vào công an thì cũng đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận những điều kể trên. Tuy nhiên, khi ngồi một mình trong ca gác giữa đêm, chắc hẳn mỗi người sẽ không khỏi cảm thấy mệt mỏi, nhớ nhà.
Công an là một danh từ rất chung, trong đó còn được chia thành nhiều lực lượng khác nhau. Mỗi lực lượng sẽ có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, dù ở lực lượng nào thì chiến sĩ công an cũng phải đối đầu với nhiều hiểm nguy, thậm chí là bị mất cả tính mạng. Dù ngay trong thời bình, rất nhiều những chiến sĩ công an cũng đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ. Theo một báo cáo có lẽ vẫn chưa đầy đủ được Bộ Công an công bố hồi tháng 0/2017, từ năm 1986 đến nay đã có 162 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, 1.043 người bị thương nặng và thương tật vĩnh viễn.
Trong những ngày tháng 07 vừa qua, dư luận cũng nhiều lần “xôn xao” về việc cảnh sát bị tấn công. Các vụ việc có thể kể đến như trường hợp trung úy Nguyễn Anh Đức, CSGT Hà Tĩnh bị container đâm. Hay cũ hơn, sự việc Trung úy Bùi Công Nguyên – cán bộ Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã anh dũng hy sinh trong đấu tranh với tội phạm năm 2015 đã phần nào phác họa sự nguy hiểm mà công an phải đối mặt.
Máu, nước mắt của các chiến sĩ công an và gia đình họ đã chảy. Tuy nhiên, đây cũng là điều rất đáng tự hào, tự hào bởi họ đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi họ đã bảo vệ thành công Tổ quốc, nhân dân trước sự tấn công của tội phạm.
CSGT bị xúc phạm, hành hung tại phường 25, quận Bình Thạnh
Vì sao công an bị “ghét”?
Công an bị “ghét”, đây là một thực tế hết sức đáng buồn hiện nay. Để lý giải cho vấn đề này, nhiều lý do đã được đưa ra. Đó là do một số “con sâu làm rầu nồi canh”, là do mọi người chưa thực sự hiểu về ngành công an. Đây là những lý giải hết sức phù hợp.
Tuy nhiên, trong bài này, nguyên nhân mà tôi đề cập đến chính là những lần bấm Like (Thích), Share (Chia sẻ) vô tâm của các bạn trên Facebook.
Tuy nhiên, trong bài này, nguyên nhân mà tôi đề cập đến chính là những lần bấm Like (Thích), Share (Chia sẻ) vô tâm của các bạn trên Facebook.
Công an là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước nên rất nhiều thế lực thù địch cũng như các loại tội phạm luôn tìm cách tấn công, làm suy yếu hình ảnh của lực lượng công an. Và qua các kênh truyền thông, mạng xã hội Facebook, các lực lượng chống đối này đăng tải những thông tin, hình ảnh thiếu tích cực, thậm chí là xấu xí của lực lượng công an lên mạng nhằm tạo ra làn sóng phản đối trong quần chúng nhân dân.
Đáng buồn thay, nhiều người, phần lớn là các bạn trẻ, đã tin mù quáng vào đó. Họ đã Like, Share khiến cho thông tin, hình ảnh xấu xí lan truyền chóng mặt trên cộng đồng mạng. Khi đó, một hiện tượng đơn lẻ đã được người ta mang ra để đánh giá bản chất của toàn lực lượng. Và nghiêm trọng hơn, mọi người đã mắc vào “cái bẫy” chia rẽ mối đoàn kết nội bộ trong đất nước ta.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ở mỗi nghề có những vui sướng, khổ cực khác nhau và nghề công an cũng không ngoại lệ. Dù đâu đó vẫn còn những cán bộ chiến sĩ tha hóa, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người công an nhân dân, nhưng những hy sinh thầm lặng của những người công an vẫn rất cần sự thấu cảm của nhân dân.
CTV Đông Phong