Bạo hành trẻ em: Chúng ta cần một luật để chống lại chính mình

Chúng ta thường thấy báo chí và mạng xã hội đưa tin các cô giáo, bảo mẫu, các ông bà chủ bạo hành trẻ em nhưng ít khi thấy thủ phạm là các bậc cha mẹ.

Hình ảnh cô giáo cầm đồ vật đánh học sinh tại lớp Mầm non tư thục Sen Vàng, P.Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội được ghi lại trong clip  /// Ảnh cắt từ clip
Chúng ta thường bức xúc tột độ trước cảnh trẻ nhỏ bị người khác ngược đãi, nhưng quên rằng chính chúng ta vẫn thường xuyên ngược đãi và bạo lực con mình. Từ quan sát của mình, tôi khá chắc chắn là đến 90% các bậc cha mẹ ở ta đã từng và vẫn còn hành xử bạo lực thể chất lẫn tinh thần với con cái họ.
Vì sao, vì chúng ta cho rằng cha mẹ có thể/có quyền đánh mắng con cái. Dân gian có câu “muốn đánh thì đẻ con ra”. Vì người ta hay giám sát và lên án kẻ khác do điều đó dễ dàng hơn là giám sát và buộc tội chính mình.
Ông bà, cha mẹ chúng ta quan niệm rằng yêu cho roi cho vọt nên đánh chửi, mà hay gọi là dạy dỗ, con một cách hồn nhiên. Chính tôi ngày trước cũng tin rằng mình lười học, lười làm, hay nghịch phá... sai ý cha mẹ đương nhiên bị đánh và mắng. Chính tư tưởng cha mẹ luôn luôn đúng và yêu cho roi cho vọt này đã dung dưỡng tệ nạn cha mẹ hành xử bạo lực chính con mình lâu nay.
Nhưng tôi tin rằng nguyên nhân cha mẹ hành xử bạo lực với con cái chủ yếu là do chúng ta không kiểm soát được cảm giác nóng giận của chính mình. Đó là cảm giác “sao nó nhỏ mà nó lì, sao nó không nghe lời mình?” “Sao dạy nó hoài không được”... Tôi tin trong mỗi bậc cha mẹ đều tràn đầy tình yêu con trẻ song trong chúng ta cũng có một hố sâu chứa đầy bóng tối của sự giận dữ và bất lực. Hầu hết chúng ta không thể kiểm soát cái hố sâu đen tối ấy.
Không như môi trường học đường, nơi hành vi của thầy cô có thể bị hàng chục con mắt coi ngó, tại mỗi gia đình, mỗi căn nhà, chúng ta - các bậc cha mẹ - chỉ chịu sự giám sát của chính mình; hàng xóm không thể lên tiếng khi chúng ta đánh mắng con cái, vì như thế là bị coi là xen vào chuyện người khác và có thể rắc rối to. Chưa kể, chính chúng ta cũng quan niệm “đèn nhà ai nấy rạng” và ngại va chạm với hàng xóm, nhất là khi va chạm ấy liên quan tới con của họ.
Chúng ta không dám và cũng không muốn, không thể can thiệp khi một trẻ hàng xóm bị chính cha mẹ sử dụng bạo lực vì chưa có phương pháp, quy chế giúp chúng ta làm việc đó. Ở những nước phát triển, trẻ em được bảo vệ mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần để trẻ nhỏ khóc quá 15 phút, cha mẹ lập tức bị cảnh sát gõ cửa hỏi thăm vì hàng xóm nghe thấy đã gọi đường dây nóng. Trẻ lớn hơn một chút thì được dạy rằng hãy gọi cảnh sát nếu bất cứ ai đe dọa dùng bạo lực với mình.
Người phương Tây có từng đánh trẻ nhỏ không? Cha mẹ phương Tây có từng hành hạ con không? Tôi tin là có, họ cũng từng một thời mông muội như chúng ta, họ cũng từng có những hố sâu đen tối trong lòng nhưng giờ đây họ đã không thể làm như thế, vì luật pháp nghiêm minh, vì cơ chế xã hội sáng suốt giúp họ kiểm soát cơn giận của họ tốt hơn.
Qua cách hành xử của pháp luật và xã hội ở các nước phát triển tôi tin rằng họ coi trẻ em là điều quý báu, thiêng liêng, là tài sản của quốc gia mà ở đó cha mẹ chỉ có quyền thay mặt chính phủ chăm sóc bảo vệ chúng, chứ không có quyền sở hữu hay đánh mắng bọn nhỏ. Cùng với nhận thức cao về quyền trẻ em khiến họ cư xử với con cái nói riêng và trẻ nhỏ nói chung rất dịu dàng kiên nhẫn và bất bạo lực.
Nhân dịp viết bài này, tôi tìm kiếm thử trên Google về luật bảo vệ trẻ em, và tôi tìm thấy luật Trẻ em 2016, sẽ có hiệu lực vào 1.6.2017. Tin vui là trong đó có mục mọi cá nhân cơ quan tổ chức có nghĩa vụ thông báo các hành vi bạo lực với trẻ em đến cơ quan chức năng, và chính phủ sẽ thiết lập đường dây nóng riêng cho việc này. Thật an lòng khi biết điều đó. Một khi luật có hiệu lực, chúng ta có cơ hội để kiểm soát chính mình tốt hơn, con cái chúng ta có cơ hội được bảo vệ tốt hơn. Khi luật có hiệu lực, chúng ta có con mắt để quan sát chính mình và người khác nhằm đảm bảo rằng trẻ nhỏ của chúng ta được bảo vệ mọi lúc mọi nơi không chỉ bởi chính chúng ta mà còn bởi nhiều người khác nữa.
Phạm Quy

Author:

Previous Post
Next Post