Báo cáo nhanh của Bộ quốc phòng (trích).

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, ngoài trời và thiên nhiênThời gian qua, trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất quốc phòng, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật.

Nội dung như sau:
Thứ nhất, đây là đất quốc phòng.
Ngày 14/4/1980, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 113/QĐ-TTg giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) với diện tích 208ha.Ngày 10/11/1991, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sơn Bình có quyết định 386 cụ thể hóa.
Ngày 22/4/2003, Quân chủng Phòng không-Không quân có quyết định 465/QĐ-PKKQ về vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 31 (Lữ đoàn 28 Công binh/Quân chủng Phòng không-Không quân) được phép đóng quân trên diện tích đất quy hoạch xây dựng sân bay Miếu Môn (phần diện tích đất 208ha nêu trên).
Ngày 1/5/2006, UBND tỉnh Hà Tây có quyết định số 2381/UBND-CNXD về việc công bố quy hoạch sân bay Miếu Môn. Địa điểm xây dựng là tại 2 huyện: Chương Mỹ và Mỹ Đức. Theo đó, tổng diện tích xây dựng sân bay là 482ha (ngoài diện tích đất 208ha nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ cấp, có thêm 274ha đề nghị cấp thêm).
Đến tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Phòng không-Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng), với các mốc giới trên thực địa không thay đổi.
Thứ 2, khu đất này để thực hiện dự án A1, một phần quan trọng của Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng.
Tháng 3 năm 2015, Bộ Quốc phòng đã có quyết định thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng (trong diện tích 208 ha nêu trên) do Quân chủng Phòng không Không quân đang quản lý, sử dụng để giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1 (Quyết định số 551/QĐ-TM ngày 27/3/2015).
50,03ha dự án A1 hoàn toàn nằm trong 208ha diện tích đất quốc phòng mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng từ năm 1980. Sau đó, gần nhất Bộ Quốc phòng đã giao 50,03ha đất nói trên từ Quân chủng Phòng không-Không quân về cho Viettel quản lý để thực hiện Dự án A1 là hoạt động quân sự trong nội bộ quân đội.
Thứ ba, về việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của các hộ dân nằm trong khu vực 50,03 ha nói trên, trong diện tích 50,03 ha của dự án A1 có khoảng 32 ha thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, còn lại là diện tích thuộc xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ. Đối với diện tích thuộc xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, việc thu hồi đất để thực hiện dự án A1 hoàn toàn thuận lợi.
Đối với phần đất thuộc xã Đồng Tâm thì chỉ có 8,49 ha là đất đang có 14 hộ dân sinh sống, canh tác; phần còn lại là đất sạch thuộc Phòng không Không quân giao cho Viettel.
Trong số 14 hộ dân đang sinh sống, canh tác trên diện tích 8,49 ha nói trên thì có một số hộ sinh sống trước thời điểm năm 1980 khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giao diện tích đất nói trên về Bộ Quốc phòng.
Để việc giải phóng mặt bằng được thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, Thành phố Hà Nội đã giao huyện Mỹ Đức và một số ban, ngành của Thành phố thành lập Ban giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án A1. Ban giải phóng mặt bằng đã bàn bạc đề ra phương án và niêm yết công khai phương án đề bù, hỗ trợ đền bù đối với 14 hộ dân nói trên tại UBND xã Đồng Tâm.
Theo đó, các hộ dân đang sinh sống, canh tác nằm trong phần diện tích 8,49 ha nói trên sẽ được đền bù, hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng. Số tiền hỗ trợ đền bù đã được chuẩn bị sẵn để chuyển tới các hộ dân. Các hộ dân nói trên đều ủng hộ và mong muốn sớm được thực hiện việc giải phóng mặt bằng.
Thứ tư, về các đối tượng gây rối, vi phạm pháp luật
10 giờ sáng ngày 15-2-2017, khi lực lượng chức năng đang tiến hành làm hàng rào, cắm biển báo ở diện tích 23,41ha đất sạch (không thuộc 8,49ha có 14 hộ dân sinh sống, canh tác nói trên) thuộc diện tích đất quốc phòng ở xã Đồng Tâm để thực hiện dự án A1 thì có 7 đối tượng ra ngăn cản, giật biển báo "đất quốc phòng".
Sau đó, những ngày tiếp theo có thêm một số đối tượng khác tràn vào khu vực đất sạch nói trên dựng lều trại, trồng các cây ngắn ngày như ngô, sắn..., từ đó khiếu kiện, đưa ra yêu sách. Thực tế, cho tới thời điểm 15-2-2017, số đối tượng nói trên không có nhà cửa, không canh tác trên diện tích 50,03ha đất quốc phòng để thực hiện dự án A1.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, các cơ quan chức năng của Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại, trả lời và giải quyết nhiều kiến nghị của người dân, nhưng số công dân khiếu kiện vẫn ngoan cố, kích động, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Đặc biệt UBND huyện đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành xuống địa bàn để làm công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân theo phương châm "3 cùng". Tuy nhiên, khi các tổ công tác của huyện Mỹ Đức đến nhà từng người dân xã Đồng Tâm để vận động, tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương, số công dân khiếu kiện tại đây đã không tham gia ký và vận động người dân không ký vào văn bản cam kết không xâm lấn đất quốc phòng.
Mặc dù các nội dung khiếu nại, tố cáo của số công dân xã Đồng Tâm liên quan đến diện tích đất quốc phòng tại khu vực đồng Sênh đã được cơ quan chức năng của huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, Bộ Quốc phòng giải quyết và khẳng định diện tích đất đai tại khu vực đồng Sênh là đất quốc phòng, tuy nhiên số công dân khiếu kiện vẫn không đồng tình và tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tại địa phương, nhất là khi Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel nhận bàn giao diện tích đất trên để thi công.
Thứ năm, về các hành vi gây rối của các đối tượng
Số công dân khiếu kiện tổ chức nhiều hoạt động để ngăn cản, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng diện tích đất quốc phòng tại khu vực 14 hộ dân đang sử dụng như: Tụ tập đông người ngăn cản các cơ quan chức năng của huyện tiến hành đo đạc diện tích đất trên; gây mất an ninh trật tự (ANTT) tại khu vực kiểm đếm, tổ chức tuần hành đông người kéo đến Trụ sở tiếp dân của Trung ương để gửi đơn khiếu kiện…
Từ giữa tháng 2/2017 đến nay, khi Viettel tổ chức triển khai việc thi công Dự án A1 thì số công dân khiếu kiện tại địa bàn tổ chức nhiều hoạt động gây mất ANTT tại địa bàn và khu vực đất quốc phòng trên với tính chất phức tạp ngày càng tăng.
Cụ thể:
Liên tiếp trong các ngày 15, 19, 22, 24, 25, 26, 27, 28/2/2017, số công dân khiếu kiện đã vận động người dân trên địa bàn tổ chức ngăn cản các đơn bị quốc phòng cắm biển, chăng dây xác định mốc giới diện tích đất quốc phòng; tự ý thu giữ số dây phản quang và nhổ biển báo “Khu vực quân sự” tại khu vực này; đưa máy móc (4 máy cày, 1 máy xúc), thiết bị, vật tư nông nghiệp vào khu vực đang thi công để canh tác… Nghiêm trọng hơn, số đối tượng trên còn tổ chức cho nhiều người dân tự ý lấn chiếm, cày bừa, canh tác trên diện tích đất quốc phòng tại khu vực đồng Sênh, gây khó khăn cho đơn vị quân đội trong quá trình triển khai thi công Dự án A1.
Trong các ngày 1/3 và 7/3/2017, số công dân khiếu kiện tại địa bàn đã tổ chức tập trung đông người tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm khi các đoàn công tác của huyện đến thực hiện nhiệm vụ; có nhiều hành vi gây mất ANTT như: Gây mất trật tự tại phòng họp nơi đoàn công tác đang làm việc; sử dụng hệ thống loa phóng thanh (tự chế) để tuyên truyền trái phép trong khu vực UBND xã và trước cửa phòng họp của tổ công tác huyện ủy Mỹ Đức; tụ tập đông người trước cổng UBND xã, đóng cổng UBND xã không cho các phương tiện của đoàn công tác của huyện rời khỏi trụ sở UBND xã; khi lực lượng công an huyện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đoàn công tác trên thì ngăn cản, tung tin bịa đặt "xe công an đâm chết người" gây kích động quần chúng...
Bên cạnh đó, các công dân khiếu kiện liên tiếp có các hoạt động vi phạm tại khu vực đất đồng Sênh:
Ngày 10/3/2017: Dựng trái phép 1 lều với lý do để bảo vệ diện tích hoa màu đang gieo trồng, dựng cổng chào bằng tre, gỗ hướng thẳng vào lều.
Trong các ngày 13, 14, 15, 16/3: Đổ đá mạt làm đường rộng 2,5 m, dài khoảng 20 m từ khu vực cổng chào vào đến lều dựng trái phép; đào và xây giếng khơi, xây bể nước, cắm cờ dọc đường 429 trong khu vực đất đồng Sênh, căng 3 băng rôn tại các điểm ranh giới đất đồng Sênh với nội dung “Đất từ đây trở xuống là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm”.
Ngày 16/3/2017: Xây dựng trái phép 1 gian nhà lợp mái tôn diện tích khoảng 12 m2 ngay cạnh vị trí lều tạm.
Ngày 17/3/2017: Tiếp tục dựng trái phép 1 gian bếp bằng mái tôn cạnh lều để phục vụ việc sinh hoạt của số đối tượng trực gác tại đây.
Cùng với việc lấn chiếm trái phép đất quốc phòng tại khu vực đồng Sênh, số công dân trên còn tổ chức nhiều hoạt động gây mất ANTT tại địa bàn xã Đồng Tâm như: Công khai sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền trái phép nhiều nội dung kích động, xuyên tạc sự thật về đất quốc phòng; tụ tập đông người kéo đến trụ sở UBND xã để phản ứng với chính quyền địa phương khi đài truyền thanh huyện phát các thông tin chính thống về khu vực đất quốc phòng; tập trung đông người tại đồng Sênh (thường xuyên có từ 50-300 công dân tập trung để tham gia xây dựng và ủng hộ công dân khiếu kiện); chửi bới, lăng mạ cán bộ chính quyền xã tại nhà riêng; cắt loa phát thanh của xã nhằm ngăn cản công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng; kích động một bộ phận quần chúng nhân dân buộc con em mình nghỉ học (đến ngày 17/4/2017, số học sinh đến trường không bảo đảm sĩ số, cụ thể là: Trường mầm non chỉ có 201/640 trẻ đến lớp, 31,4%; tiểu học chỉ có 461/672 em đến lớp, 68,6%; trung học cơ sở có 324/370 em đến lớp, 87,5%).
Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được, xét thấy mức độ vi phạm pháp luật của các đối tượng là nghiêm trọng, có tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT của địa phương và hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… Công an Thành phố, Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thu tập tài liệu, củng cố chứng cứ hồ sơ về những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Ngày 30-3-2017, Công an Thành phố HN đã ra quyết định khởi tố vụ án "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245. Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 257 và vụ án "Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai" theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Công an Thành phố đã 3 lần triệu tập các công dân có liên quan lên làm việc, nhưng họ cố tình không chấp hành, tiếp tục tổ chức, thực hiện các hoạt động chống đối.
Ngày 15-4-2017, Công an Thành phố đã bắt 4 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm theo Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ngay sau khi Công an Thành phố triển khai bắt giữ các đối tượng trên, số công dân xã Đồng Tâm đã tập trung đông người bao vây, không cho ô tô của các lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn xã Đồng Tâm; giữ, đập phá 5 ô tô của lực lượng chức năng (gồm 1 xe chở quân, 3 xe Innova, 1 xe cứu thương); giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an Thành phố Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành. Số cầm đầu tăng cường bố trí lực lượng, chặt cây to chắn đường vào làng; đồng thời chuẩn bị gậy, đất, cát và vôi bột, xăng, kẻng sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng tổ chức phương án giải cứu số cán bộ bị giữ trái pháp luật.
Lãnh đạo Thành phố trực tiếp tuyên truyền, vận động số cầm đầu, quá khích, giải thích rõ việc bắt giữ người là hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu họ thả cán bộ, chiến sĩ bị bắt giữ trái pháp luật. Thành phố tổ chức 2 tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng, tuy nhiên các đối tượng không hợp tác, ném cát sỏi, đá và các tổ công tác làm một số cán bộ, chiến sĩ Công an Thành phố bị thương.
Thứ sáu, cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết, ổn định tình hình
Khu vực đất đồng Sênh là đất quốc phòng, đã được Chính phủ giao Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng. Dự án A1 là dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của quân đội và đất nước.
Việc khiếu kiện của một số công dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã được UBND TP. Hà Nội kết luận và tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, số công dân khiếu kiện liên tục lôi kéo, kích động người dân có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; xâm chiếm đất quốc phòng; gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn; cản trở các hoạt động bình thường, sinh hoạt của quần chúng nhân dân; chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật.
Đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh; không để ảnh hưởng đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức nói riêng, TP. Hà Nội nói chung; gây xáo trộn, hoang mang tư tưởng, chia rẽ nội bộ nhân dân.
Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết và triển khai các biện pháp ổn định tình hình an ninh, trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Author:

Previous Post
Next Post