NHỮNG ĐIỀU CẦN NÓI CHO RÕ XUNG QUANH PHÁN QUYẾT NGÀY 12-7-2016 CỦA PCA

Trong mấy ngày qua, cả bộ máy truyền thông toàn thế giới dồn dập đưa tin về phản ứng của các nước đối với việc Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016 về vụ kiện 15 điểm của Philippines đối với Trung Quốc và giải quyết 7 điểm quan trọng trong số đó. Rất nhiều tin tức về phản ứng của các nước được đưa ra, phản ánh quan điểm của các bên không chỉ đối với riêng các phán quyết này mà còn đối với tình hình tranh chấp ở Biển Đông. Dư luận trong nước cũng có nhiều phản ứng trên báo chí và trên các mạng xã hội. Các phản ứng đó cho thấy, một bộ phận báo chí và công chúng hoặc không có thông tin đầy đủ, hoặc không nhận thức đầy đủ, hoặc cố tình suy diễn chủ quan đã đưa đến những nhận định sai lệch, có tính định kiến. Đồng thời, họ cũng không nhìn nhận đúng đắn sự phản ứng của các bên trực tiếp liên quan và gián tiếp liên quan đến vấn đề Biển Đông.


1- Những hiểu biết sai lệch

Trước hết là hiểu biết về thẩm quyền của Tòa Trọng tài thường trực (tên viết tắt là PCA - Permanent Court of Arbitration) là một tổ chức quốc tế có trụ sở tại La Haye, Hà Lan). Tòa được thành lập năm 1899 tại Hội nghị Hòa bình Hague đầu tiên với sự ra đời Các công ước Den Haag 1899 và 1907. Theo thẩm quyền được trao tại Phụ lục só VII của Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS – 1982), Tòa Trọng tài thường trực PCA không phải là một tòa án theo đúng nghĩa. Về chức năng, trách nhiệm, nó giống như một cơ quan tư vấn pháp lý, không có các quyền quyền quyết định trực tiếp. Nó chỉ có chức năng khuyến khích việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia, tổ chức nhà nước, các tổ chức liên chính phủ, và các bên tư nhân bằng cách hỗ trợ trong việc thành lập các tòa án trọng tài và tạo thuận lợi cho công việc của họ.

Cung điện Hòa Bình ở La Haye (The Hague), Hà Lan, nói đóng trụ sở của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Vì tại La Haye ở Hà Lan cũng có một tòa khác của Liên Hợp Quốc, đó là Tòa án Công lý Quốc tế (tên viết tắt là ICJ - International Court of Justice) Tòa ICJ có chức năng, trách nhiệm, căn cứ pháp lý, thẩm quyền phán quyết, cơ chế hoạt động khác với Tòa PCA và hiệu lực pháp lý của phán quyết có giá trị cao hơn rất nhiều so với phán quyết của PCA. Chính diều này làm cho những người không tim hiểu lỹ càng vấn đề, nhầm lẫn giữa PCA và ICJ. Do đó, dẫn đến nhầm lẫn về thẩm quyền, phạm vị đối tượng của phán quyết và hiệu lực pháp lý của phán quyết. Trong đó có liên quan đến phụ lục số VII của UNCLOS 1982. Theo phụ lục này thì PCA không có thẩm quyền phân xử chủ quyền trên biển và hải đảo (một phần thẩm quyền phân xử chủ quyền được trao cho Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục số VIII của UNCLOS – 1982). Vì vậy, rất dễ hiểu về phán quyết của Tòa PCA chỉ bác bỏ lập luận mà Trung Quốc nêu ra đối với cái mà họ gọi “vùng nước lịch sử”, lấy đó làm căn cứ để đồi chủ quyền đối với “đường 9 đoạn” chứ không phải là bác bỏ “đường 9 đoạn”. Điều này hoàn toàn chính xác vì quốc tế (tất nhiên là trừ Trung Quốc và Đài Loan) có công nhận “đường 9 đoạn” đâu mà phải bác bỏ “đường 9 đoạn” ?

Một phiên xét xử của Tòa án Công lý quốc tế

Với chức năng được Liên Hợp Quốc quy định thì PCA chỉ có thể đưa ra các phán quyết mà không có bất cứ chế tài có tính bắt buộc thực hiện nào. Phán quyết của PCA vì thế chỉ có thể thực thi phán quyết khi tất cả các nước tham gia vụ kiện cùng tự giác công nhận. Hay nói cách khác, các quyết định của PCA thiếu đi một trong những yếu tố hết sức quan trọng trong hoạt động tư pháp, đó chính là yếu tố thực tiễn, thực thi trên thực tế! Để đối phó với vụ kiện này của Philippines, dựa vào yếu tố "Phán quyết chỉ có thể thực thi phán quyết khi tất cả các nước tham gia vụ kiện cùng tự giác công nhận", Trung Quốc, ngoài việc sử dụng ảnh hưởng, kinh tế chi phối một số quốc gia tham gia PCA không công nhận phán quyết của tổ chức này (theo họ nói là đã có 60 nước đồng thuận với họ). Trung Quốc cũng đã hết sức khôn ngoan khi chưa bao giờ cử một đoàn đại diện đúng nghĩa để tham dự.


2- Ảnh hưởng của các nước lớn và sự gây nhiễu của bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây

Trước lúc phán quyết của Tòa PCA được công bố, Mỹ và phương Tây đã nhiều lần gây sức ép buộc các quốc gia vốn là bè bạn truyền thống của Việt Nam ủng hộ phán quyết, đặc biệt nhất là Campuchia, khi nước này ra tuyên bố không ủng hộ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực. Tuyên bố của Thủ tướng Hunsen đã bị báo chí Mỹ và phương Tây bóp méo bằng cách “nhét chữ” vào miệng Thủ tướng Campuchia, cho rằng họ đứng về phía Trung Quốc và đang làm rạn nứt mối quan hệ các nước ASEAN. Bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây cũng sử dụng nhưng thủ đoạn tương tự để “nhét chữ” vào miệng Bộ trưởng ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov, vào miệng người phát ngôn Bộ ngoại giao Liên bang Nga Maria Zakharova với ý đồ làm rạn nứt mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Liên Bang Nga.

Đối với nội dung của phán quyết của Tòa PCA ngày 12-7 vừa qua, các hãng truyền thông Mỹ và phương Tây (bản tiếng Việt) và nhiều tòa báo trong nước ăn theo thông tin của các hãng này đã chỉ tập trung vào việc “cắt đường lưỡi bò” mà không hề để ý đến thực chất của các phán quyết khác. Sở dĩ có hiện tượng này vì một phần, họ chỉ quan tâm đến vấn đề “đường lưỡi bò”, một thứ vạch vẽ chung chung không hề tồn tại trên thực tế và đúng ra đó mới chỉ là ý đồ của Trung Quốc. Tất nhiên, không thể phủ nhận giá trị của phán quyết của PCA về sự vô căn cứ của “đường 9 đoạn”. Đó là một phán quyết có giá trị “chữa cháy từ gốc lửa” chứ không phải “chữa cháy ở ngọn lửa”. Nó tạo điều kiện để giải quyết tận gốc vấn đề. Xin nhớ là tạo điều kiện giải quyết thôi. Còn giải quyết ra sao thì các nước phải ngồi vào bàn đàm phán. Vậy đối với 6 vấn đề còn lại thì sao ?

Một phiên xét xử của Tòa án Công lý quốc tế
Sáu vần đề này đề cập đến rât nhiều cấu trúc địa lý, bao gồm cả biển, đảo, đá, bãi nổi, bãi chìm mà Việt Nam đang tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Trong trường hợp Tòa ra phán quyết có lợi về phía Philippines, nghĩa là khi bất kỳ nước nào cũng phải công nhận phán quyết kể trên đều sẽ công nhận rằng, Philippines có lý và có quyền chủ quyền với các khu vực có liên quan mà VIỆT NAM ĐÃ TUYÊN BỐ CHỦ QUYỀN, đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng CÁC KHU VỰC ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ CỦA VIỆT NAM. Đó chính là cái mà Philippines gọi là “Khu Kalayaan” bao trùm gần hết Quần đảo Trường Sa, mặc dù Philippines không đề cập đến tên gọi này trong đơn kiện.

Còn trong trường hợp Tòa PCA đưa ra những phán quyết chung chung, không nghiêng về bên nào, nghĩa là việc ủng hộ phán quyết của tòa án sẽ vô hình chung khẳng định rằng phán quyết của tòa án đã giải quyết vấn đề CỦA 2 NƯỚC (Philippines và Trung Quốc) không triệt để. Các bên vẫn tiếp tục các hành động của mình mà không vi phạm phán quyết. Đồng thời, vô hình chung thừa nhận đó là vấn đề song phương của Philippines và Trung Quốc. Trong trường hợp đó, những khu vực nằm trong ảnh hưởng của phán quyết KHÔNG CÓ CHỖ CHO VIỆT NAM.

Có lẽ cần phải nhắc lại rằng trên Quần đảo Trường Sa, ngoài sự hiện diện của Philippines và Trung Quốc còn có nhiều bên tham gia tranh chấp. Trong đó có một bên có sức nặng phải được nhắc tới là Việt Nam. Thái độ im lặng của Việt Nam tưởng chừng là nhu nhược, nhưng một khi đã há miệng ủng hộ PCA, gần như chắc chắn sẽ mắc quai với thiệt thòi không nhỏ. Dư luận cần nghiêm chỉnh nhìn nhận hậu quả của các phán quyết của PCA lên quyền lợi chính đáng của Việt Nam. Ủng hộ một cách hoàn toàn, vô điều kiện đối Philippines không hề có lợi cho Việt Nam trong việc gìn giữ và đòi hỏi chủ quyền. Ngược lại, chính việc ủng hộ đó sẽ tạo ra nhiều sự chồng chéo về pháp lý rất bất lợi mà không ai khác chính chúng ta lại phải tháo gỡ trong quá trình đòi lại chủ quyền cam go, đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn này.

Đối với Philippines, họ đã thành công mỹ mãn ư ? Không hẳn ! Ngoài vấn đề mà ai cũng nhìn thấy và công nhận là Tòa PCA đã phán quyết bác đòi hỏi vô lý của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”, cũng đã có những điểm Philippines phải chịu bất lợi. Trong một phán quyết về quyền đánh cá tại bãi cạn Scarborough, Tòa phán rằng: “Cả hai nước đều có quyền được đánh cá trên ngư trường truyền thống tại bãi Scarborough”. Bình luận về điểm này, ngài Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mỉa mai nhận xét rằng: “Đất đã bị chiếm đoạt, phải đi kiện để đòi lại, không ngờ bị Tòa xử hai bên cùng dùng chung !” Thật bi hài. Với phán quyết này, Philippines đã sa vào “cái bẫy” do Trung Quốc bày đặt ra: Biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp.

Về vấn đề một số thực thể địa lý ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, Tòa PCA phán mở rộng rằng: “Các cấu trúc ở Trường Sa đều thuộc dạng đá mà không phải là đảo. Không một cấu trúc nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người ở đó nên không điểm nào có vùng đặc quyền kinh tế hay vùng thềm lục địa.” Với phán quyết này PCA đã biến “đất tư nhân” thành “đất công cộng”. Vùng biển đặc quyền kinh tế của một quốc gia bị biến thành vùng biển quốc tế. Các cường quốc quân sự có thể thoải mái đi lại và triển khai vũ khí, phương tiện chiến tranh. Thế lực nào đã tác động để PCA ra một phán quyết như vậy ? Việt Nam có bao nhiêu đảo, đá, bãi cạn ở Trường Sa rơi trong tình trạng như vậy ?

Với phán quyết này, không hề có chuyện những nước nhỏ ven Biển Đông được hưởng lợi. Kẻ hưởng lợi chính là những nước lớn, và trớ trêu thay, một trong các nước ấy lại chính là… Trung Quốc. Mặc dù những căn cứ về “vùng nước lịch sử” để đòi hỏi về chủ quyền trong “đường lưỡi bò” bị bác bỏ. Nhưng với việc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia ở Trường Sa bị thu hẹp lại, vùng biển quốc tế được mở rộng, Trung Quốc sẽ hạn chế được sự phản đối của các nước ven Biển Đông (chủ yếu là Việt Nam và Philippines, sau đó đến Malaysia và gần đây là Indonesia) khi họ triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác và cả các hoạt động quân sự trong vùng biển quốc tế đó.

Những nước được hưởng lợi từ phán quyết này còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, và vùng lãnh thổ Đài Loan. Với phán quyết này, còn đường hành hải huyết mạch nhộn nhịp thứ hai trên thế giới đi qua Biển Đông đã “rộng rãi” hơn. Ngoài ra, các nước ngoài khu vực có sử dụng tuyến hàng hải qua Biển Đông cũng có lợi. Singapore, mặc dù không có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông nhưng nằm ở vị trí cửa ngõ Biển Đông nên sẽ có điều kiện để phát triển mạnh hơn nữa các dịch vụ hậu cần hàng hải vốn đã là thế mạnh của họ. Phán quyết này không ảnh hưởng đến các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông bởi Mỹ không tham gia UNCLOS 1982. Bruney cũng không chịu ảnh hưởng bởi họ không tuyên bố chủ quyền với một đảo/đá nào trên Biển Đông mà chỉ đòi hỏi một vùng lãnh hải rộng 200 hải lý, nơi có các dàn khoan khai thác dầu mỏ do họ liên doanh với các công ty lớn trên thế giới đang hoạt động.

3- Thực chất thái độ của Campuchia và Nga đối với phán quyết của PCA

- Trường hợp Campuchia: Ngày 8-7-2016, trong một cuộc họp nội các, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hunsen đã nói: “Chúng ta, Campuchia, sẽ không ra bất kỳ thông cáo nào dưới bất kỳ hình thức nào về phán quyết của PCA đối với vụ kiện biển Đông.”. Ông cũng nói thêm: “Nếu có thảo luận về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) thì ông sẽ tham gia vì đó là cơ chế tồn tại bên trong ASEAN”. Sau một ngày, Bộ Ngoại giao Campuchia đã ra thông cáo về lập trường của chính phủ nước này đối với vụ kiện của Philippines, trong đó nêu rõ: “"Quan điểm của Campuchia là Philippines muốn yêu cầu PCA dàn xếp tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc, và quy trình này không liên quan tới tất cả thành viên của ASEAN. Do đó, Campuchia sẽ không tham gia bày tỏ bất kỳ lập trường chung nào về phán quyết của PCA.” Bản thông cáo cũng kêu gọi: “giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình" để duy trì ổn định khu vực và phát triển quan hệ đối tác cùng có lợi giữa ASEAN-Trung Quốc.”

Bộ máy truyền thông của Mỹ và phương Tây hầu như ngay lập tức tung ra những luận điệu có tính chia rẽ. AFP (Pháp) cáo buộc rằng Phnompeng chịu áp lực từ Bắc Kinh nên đã "góp phần" gây ảnh hưởng tới bản tuyên bố chung của ASEAN trong Hội ngoại cấp ngoại trưởng với Trung Quốc tại Côn Minh. Theo đó, ASEAN đã không ra tuyên bố về phán quyết của Tòa PCA. Ngay sau đó, Thủ tướng Campuchia đã chỉ ra rằng một số nước bên ngoài “giật dây và gây sức ép lên các thành viên ASEAN” kể cả trước khi tòa án ra phán quyết. Theo ông, điều đó “sẽ dẫn đến việc chia rẽ giữa bản thân các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc”. Thủ tướng Campuchia còn cảnh báo: “Những nỗ lực của một số quốc gia bên ngoài khu vực trong việc huy động các lực lượng chống lại Trung Quốc sẽ mang lại những tác động tiêu cực đối với ASEAN và hòa bình trong khu vực. Khỏi phải nói, người ta đều biết các nước ngoài ấy là ai.

Quan điểm của Campuchia thực ra là hết sức rõ ràng thể hiện đúng vai trò trung lập của Campuchia đối với các tranh chấp không có liên quan đến họ. Sự trung lập này được Hiến pháp Campuchia quy định. Ngoài ra, nó còn thể hiện thẳng thắn quan điểm của nhiều nước ASEAN rằng “quan hệ của các nước ASEAN với Trung Quốc phải do các ASEAN và Trung Quốc giải quyết”. Điều này cũng ám chỉ đến ý đồ “cò ngao tranh chấp, ngư ông thủ lợi” của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Tuyên bố của Campuchia không ủng hộ phán quyết PCA gây “mếch lòng” Philippines, chủ thể đứng ra khởi kiện Trung Quốc. Chính vì điều này mà Trung Quốc “vơ vào” rằng Campuchia là 1 trong 60 quốc gia ủng hộ Trung Quốc. Rằng không công nhận phán quyết của PCA nghĩa là ủng hộ Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng giống như việc Việt Nam chỉ hoan nghênh việc PCA đưa ra phán quyết mà không tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối phán quyết, việc Campuchia phản đối phán quyết của PCA là một động thái có lợi cho Việt Nam hơn là có hại. Thậm chí, ngay cả Campuchia có phản đối phán quyết của PCA thì sự phản đối đó cũng không thể có hiệu lực trên thức tế. Một nước nhỏ như Campuchia, lại không có vị thế gì trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi 5 “ông lớn” mới chính là những thế lực quyết định vận mệnh thế giới thì làm sao có thể gây ảnh hưởng đến phán quyết của một Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc được ?

Ở đây, có hai điểm khác nhau trong phán quyết của PCA cần bàn tới. Trước hết, phán quyết của PCA phủ nhận gần như trọn vẹn luận thuyết về “đường 9 đoạn”do Trung Quốc tự dựng lên từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu phán quyết của PCA chỉ dừng lại đó thôi thì chắc chắn Việt Nam sẽ không chỉ hoan nghênh việc PCA ra phán quyết mà sẽ nhiệt liệt ủng hộ. Nếu như vậy thì sự phản đối của Campuchia có thể được quy là một hành động thù địch chống lại Việt Nam. Và riêng với hành động này, Campuchia không xứng đáng được xem là bạn bè của Việt Nam. Song phán quyết của PCA lại công nhận quyền chủ quyền của Philippines tại 7 trong số 15 điểm tại đơn khởi kiện của nước này. Đó là điều mà không bao giờ Việt Nam chấp nhận, dù nó cũng bất lợi cho cả Trung Quốc.

Điều đáng nói hơn cả là quyền chủ quyền tại 7 điểm được PCA công nhận cho Philippines đã làm phức tạp thêm sự chồng lấn, tranh chấp trên Quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã nhiều lần ra tuyên bố chủ quyền cũng như đã thực thi các quyền chủ quyền của mình trên thực địa tại đây. Chính vì vậy, việc Campuchia phản đối phán quyết của PCA cũng là một động thái có lợi cho Việt Nam. Đồng thời, Phnompeng cũng không tạo ra một cái cớ để các thế lực đối lập chống Việt Nam tại Campuchia như đảng CNRP của Sam Reinsy, đảng Khme Crom KKK… có cớ vu cáo Chính phủ của CCP phụ thuộc vào Việt Nam. Đường dài mới biết ngựa hay. Khó khăn, hoạn nạn mới biết ai bạn bè.

- Trường hợp Liên bang Nga. Nước này cho đến nay vẫn là bạn bè truyền thống với Việt Nam Quan hê giữa hai nước đã ở cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt”, một cấp độ còn cao hơn cả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung. Gần đây và trong sự kiện Tòa Trọng tài PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, phía Nga đã ít nhất có ba lần bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông. Và cả ba lần đều từ cấp Bộ trưởng Ngoại giao trở xuống. Ngoài ra còn có thông tin từ tờ “Thương gia”, một tờ báo lớn ở Nga.

Ngay sau khi PCA công bố phán quyết, báo này đã đăng một bài bình luận nhan đề “Trung Quốc không có 'quyền lịch sử' đối với vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông”. Bài báo điểm lại quá trình Trung Quốc tăng cường những nỗ lực nhằm kiểm soát Biển Đông và cả Eo Malacca trong những năm qua, điểm lại phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực trước khi bày tỏ quan điểm ủng hộ phán quyết của PCA.

Ở cấp độ chính thức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Liên quan đến phán quyết ngày 12 tháng 7 của tòa án trọng tài The Hague (tức La Haye) trong vụ kiện của Philippines, chúng tôi muốn lưu ý các điều sau đây. Quan điểm của Nga về tình hình ở Biển Đông trước sau như một và không thay đổi. Chúng tôi ủng hộ việc các bên tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển nói trên nghiêm chỉnh chấp hành các nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm cách giải quyết các bất đồng bằng con đường chính trị và ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, cũng như trong tinh thần các thỏa ước giữa ASEAN và Trung Quốc” và “Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm phát triển một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”. Câu cuối cùng trong tuyên bố của bà Maria Zakharova rõ ràng là rất phù hợp với quan điểm của Việt Nam và các nước ASEAN khác, đều mong muốn có được một COC để làm cơ sở giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Còn Trung Quốc thì không hề mong muốn điều đó. Vì vậy. Thật lố bịch kho cho rằng Nga đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Cũng giống như khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đưa ra quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, báo chí trong nước dua nhau giật những cái tít đầy giọng kích động được “bơm” vá từ bên ngoài. Nhà báo có bút danh “Ngọc Anh” giật một cái tít trên báo “Thanh Niên”: “Bộ Ngoại giao Nga “lơ” phán quyết của BCA trong tuyên bố về Biển Đông”. Trong bài có đoạn viết: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Moskva không để bị lôi kéo vào tranh chấp trên Biển Đông, nhưng bà Zakharova không hề nhắc tới phán quyết của PCA về Biển Đông”. Trong khi đó thì tuyên bố của Maria Zakharova đã được đăng tải trên tất cả các báo chí Nga và hệ thống truyền thông Nga bằng nhiều thứ tiếng (như đã nói ở trên). Xem lại nguồn tin mà “Ngọc Anh” dẫn thì thấy đó không phải là nguồn Nga mà là hãng Reuter (Anh Quốc). Một “Gia Cát Dự” là thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học khoa học và nhân văn TP Hồ Chí Minh còn mạnh miệng khẳng định rằng Nga sẽ ngả theo Trung Quốc vì không có những phản ứng mạnh mẽ về vụ kiện đường lưỡi bò của Philippines. Có thật là Nga ngả theo Trung Quốc không. Và suy ra, ngả theo Trung Quốc có nghĩa là chống lại Việt Nam không ? Ta hãy xem xét.

Các nhà khoa học Nga và doanh nhân Nga cũng lên tiếng về phán quyết của PCA. Chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, ông Grigory Lokshin cho biết trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Russia TV: “Phán quyết của PCA đã củng cố vị thế của những quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc, đòi hỏi phải tuân thủ các quyền pháp lý của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và quyền tự do hàng hải”. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương học, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Dmitry Mosyakov phát biểu: “Chúng tôi hy vọng rằng những tranh chấp ở Biển Đông sẽ được các bên giải quyết êm đẹp. Nga rất quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đến việc hóa giải tranh chấp và bất đồng quan điểm giữa Việt Nam và Trung Quốc, vốn đều là đối tác chiến lược của Nga về địa chính trị, thương mại và quốc phòng. Hy vọng rằng sớm muộn gì hai bên sẽ tìm ra giải pháp tối ưu. Trong trường hợp đang xét, Trung Quốc nên có bước nhượng bộ về diện tích chủ quyền trên biển Đông chứ không nên khư khư bám vào “đường chín đoạn” xưa cũ vốn không có giá trị pháp lý trong bối cảnh lịch sử hiện đại. Nói gì thì nói, diện tích trong cái gọi là “đường chín đoạn” (còn được gọi là “đường lưỡi bò”) ấy chiếm đến 2 triệu km vuông, nuốt gần trọn những khu vực đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, Malaysia và một số nước khác của Đông Nam Á”.

Trước thềm Tòa án Trọng tài quốc tế ở The Hague (La Haye) ra phán quyết vụ kiện Biển Đông của Philippines vào ngày 12 tháng 7, các phương tiện truyền thông của Mỹ và một số quốc gia cố tình xuyên tạc quan điểm của Nga về vấn đề Biển Đông. Ngày 29-4-2016, Bộ trưởng Sergey Lavrov bình luận: “Đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông. Lập trường của Nga là không thay đổi. Những vấn đề này không nên quốc tế hóa, không một ai từ bên ngoài nên can thiệp vào quyết định của họ”. Ông nói thêm: “Có Công ước Liên Hợp Quốc về luật quốc tế, có Tuyên ngôn về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết, có những nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất giữa Bắc Kinh và các thủ đô của ASEAN. Đó chính là những gì cần có để chỉ đạo hướng dẫn và giải quyết bất kỳ vấn đề nảy sinh bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ, thông qua cuộc đối thoại trực tiếp của các nước quan tâm bằng phương cách chính trị và ngoại giao”.

Lập trường về phương pháp giải quyết vấn đề Biển Đông của Nga tương đồng với lập trường của Việt Nam như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nói: “Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”. Việc ông Sergey Lavrov không đưa ra ý kiến ủng hộ hay không ủng hộ bên nào trong việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông cũng là lẽ thường tình. Chính Mỹ cũng tuyên bố không đứng về bất kỳ bên nào trong sự tranh chấp này. Thế những bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây vẫn cứ đưa ra những thông tin kiểu “ăn đứng dựng ngược” rằng Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Và không ít báo chí trong nước đã “đớp” ngay những thông tin đó.

Vậy ai là kẻ tức tối khi Nga nêu ra quan điểm không nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông ? Ai là kẻ bị “động chạm” khi Nga yêu cầu những nước không có liên quan trực tiếp thì không nen can thiệp vào ? Không khó để tìm ra câu trả lời. Đó là Mỹ ! Trong quá trình gọi là xoay trục chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương, những hành động gây hấn ngày một leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông đã tạo cho Mỹ một cái cớ tuyệt với để quay lại vùng biển này sau khi thất bại trong Chiến tranh Việt Nam. Việc Mỹ quay lại Biển Đông không phải là để bảo vệ chủ quyền cho những nước bị Trung Quốc uy hiếp chủ quyền trên Biển Đông mà là để kiềm chế Trung Quốc, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Dù trong một chừng mực nhất định, những hành động triển khai lực lượng quân sự của Mỹ ở Biển Đông có thể làm cho Trung Quốc không dám liều mạng gây hấn bằng xung đột vũ trang nhưng cũng không thể ngăn cản những hành động mở rộng đảo nhân tạo, lập các trạm radar và hải đăng, tăng cường các hoạt động ngang ngược với các nước láng giềng.

Thêm vào đó, những kẻ bị “động chạm” nhiều nhất chính là những kẻ theo đuôi Mỹ, trong đó có không ít những người Việt ở trong và ngoài nước, hoặc là thiển cận, “anh hùng rơm”, hoặc là mang tư tưởng lệ thuộc, vong nô. Vì sẵn mang theo tư tưởng thù địch với chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam, vì sẵn có những tư tưởng muốn leo lên địa vị chính trị quốc gia, vì sẵn tư tưởng sùng bái Mỹ, những mong Mỹ “ra tay tế độ” để bảo vệ chủ quyền cho mình. Trong khi đó thì mọi hành động của Mỹ trước hết là vì quyền lợi của chính Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Thật là “đuổi beo cửa trước, rước hổ cửa sau”.

Vậy thì những luận điệu tuyên truyền của Mỹ và phương Tây chỉ nhằm một mục dích duy nhất: LỢI DỤNG MÂU THUẪN GIỮA TRUNG QUỐC VÀ CÁC NƯỚC ASEAN, MÂU THUẪN GIỮA CÁC NƯỚC ASEAN VỚI NHAU VÀ MÂU THUẪN TRONG NỘI BỘ TỪNG NƯỚC ASEAN ĐỂ KÉO CÁC NƯỚC NÀY VÀO QUỸ ĐẠO CỦA MỸ. Thế nên, đừng có ai lầm tưởng rằng Mỹ đem Máy bay, tàu chiến, đưa quân đến Biển Đông để bảo vệ chủ quyền cho các nước ven Biển Đông; đừng ai nghĩ rằng người Mỹ sẽ đem máu của mình ra để bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam và các nước ven biển Đông.

Tóm lại, như một Facebooker đã nhận xét: Tình hình ở Biển Đông giống như việc mấy hộ dân trong làng tranh chấp một thẻo đất mà dưới đó, có thể có những của cải. Tuy nhiên, họ không thỏa thuận được với nhau về việc chia chác vì có một hộ đông nhân khẩu đòi phần sư tử. Và cuối cùng, có một tay “đầu gấu” xuất hiện. Mấy hộ ít dân nhờ tay đầu gấu này dùng sức mạnh chia phần hộ. Nhưng cái hộ đông nhân khẩu kia cũng không phải dạng vừa. Họ huy động anh em họ hàng hang hốc ra cự lại tay đầu gấu nọ. Kết quả là những trận hỗn chiến xảy ra và đã có án mạng. Kẻ vỡ đầu, người què cụt, nạn nhân phần lớn là những hộ ít người, yếu thế. Làng xóm hoang tàn. Ruộng vườn bị dày xéo tan nát hết. Người chết, gia súc chết. Cả làng kéo nhau đi ăn mày. Còn thằng "đầu gấu" thì chiếm trọn thẻo đất đó. Nếu không xử lý thận trọng bằng các giải pháp hòa bình, pháp lý, không dùng vũ lực, việc tranh chấp ở Biển Đông cũng giống như việc tranh chấp thẻo đất ở cái làng nọ.

Tâm Nguyễn 

Previous Post
Next Post