Vừa rồi, nói chuyện cùng một bác đã công tác trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa hàng chục năm nay, thấy bác trăn trở nhiều điều, bác chua chát “thời gian qua chúng ta toàn phải đi “dọn rác” do báo chí bày ra, rồi lại bị điều tiếng, chịu trách nhiệm thay cho báo chí..”..
Thực ra, phải chịu trách nhiệm là đúng, bởi theo chức năng nhiệm vụ - không thể làm thay việc của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng phải làm tốt việc tham mưu để có thể phát huy sức mạnh báo chí thực sự phục vụ lợi ích của quốc gia dân tộc, không chỉ phản ánh dư luận mà còn phải định hướng dư luận hướng tới những điều tốt đẹp.
Vậy nhưng, rõ ràng thời gian qua cùng với một số kết quả tích cực, thì nhiều tờ báo đã “đóng góp không nhỏ” gây ra sự rối loạn trong dư luận, vẽ ra một thực tế và viễn cảnh u ám không đúng với sự thực, đánh đồng hiện tượng với bản chất gây những tác động tiêu cực tới người đọc, người xem, người nghe.. Và những biểu hiện đó, không chỉ bởi do chạy theo cơ chế thị trường với thị hiếu tầm thường, mà còn có những dấu hiệu cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng về chính trị tư tưởng từ chính cơ quan truyền thông.
Sự thái quá về nhận thức cũng như cách thức thực hiện tự do ngôn luận trong điều kiện trình độ dân trí còn chưa cao và không đồng đều, lại trong bối cảnh thế giới loạn lạc với nhiều luồng tư tưởng xa lạ đang hàng ngày được bơm thổi vào Việt Nam đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Biểu hiện đơn giản nhất là nhiều người vốn là và hiện vẫn là cán bộ, công chức, thậm chí là cả đảng viên, bộ đội, giáo viên,…đã bị nhiễm độc từ thông tin báo chí, tiếp tục sử dụng chính những thông tin đó chia sẻ lên mạng xã hội với góc nhìn u ám hơn, trầm trọng hơn, thể hiện tư tưởng từ hoang mang dao động sang tới cả xét lại và chống đối, tạo hiệu ứng rất nguy hiểm cho sự ổn định cần có để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, tự bôi đen thì đời sẽ nhem nhuốc, thích bới rác ra thì không bao giờ được thở không khí trong lành… Nhưng ai sẽ làm đèn và làm gió mát?
Mạnh Hùng