Trưa nắng không gắt, cũng chẳng nhẹ nhàng. Bầu trời chẳng đẹp, cũng không xấu tệ. Anh ghé phòng làm việc của tôi và như thường lệ, câu chuyện lại trở về với những thông điệp của người lính cầm súng sau mấy chục năm cuộc chiến tàn khốc đã đi qua. Lần này là câu chuyện về những kẻ “sám hối”.
“Có nhà thơ từng viết bao áng hùng ca dũng mãnh thời chống Mỹ, khi sang Mỹ được họ mời nói chuyện thì hình như để đẹp lòng cử tọa mà rằng: “Tôi là người lính, nhưng suốt bao năm cầm súng, tôi chỉ bắn lên trời, bắn chỉ thiên hết”. Cứ tưởng nói thế là Mỹ nó khen, nó thích mình vì mình nhân văn, đạo đức, cao cả nhưng thật ra...éo phải thế. Thật sự là nó khinh. Nói thế là không thật. Là không phải một thằng lính chân chính...”. -anh bắt đầu kể về một câu chuyện có thật và nói: "Nói thế là hèn, là tự lừa dối chính mình. Làm éo gì có thằng lính nào vào trận mà như thế. Nếu thế thì không xứng làm lính"..
- Thế còn anh, cũng từng sang Mỹ, sang đó anh nói gì? – tôi chất vấn.
- Tao nhìn thẳng vào họ mà nói rằng: “Tôi là lính, những năm chiến tranh, khẩu súng của tôi chỉ có một mục tiêu là nhằm thẳng vào các ông, kẻ thù của chúng tôi. Các ông văn minh, tiến bộ, hiện đại, giàu có, hơn hẳn chúng tôi là điều chúng tôi không phủ nhận, nhiều cái phải học tập. Nhưng nhà tôi đang yên ổn, các ông sang phá nhà tôi, đương nhiên chúng tôi phải đánh, phải đuổi các ông đi. Trong thơ tôi cũng từng viết: “Các cuộc chiến không có con đường thứ ba”.
Câu chuyện anh kể còn “bật mí” đôi chút về những nhà dân chủ, những ngòi bút nhân sĩ, trí thức yêu nước khác mà anh từng giao du, dù với góc độ một nhà thơ, anh cũng không thích phát ngôn kiểu tuyên huấn này nọ. Nhưng đúc rút lại thì trong giới nhà văn, nhà thơ, nhất là những người đã kinh qua cuộc chiến máu lửa để bảo vệ nền hòa bình, độc lập của dân tộc, những sự hi sinh xương máu là thứ không dễ để phủ nhận, đánh đổi, lẫn lộn trắng đen.
Có một nhà văn là một ngòi bút phản biện mạnh mẽ nên bọn dân chủ giả cầy rất khoái, muốn tâng hô, ve vãn để những mong anh đứng về phe dân chủ, cũng xuống đường, cũng tuần hành, cũng giương khẩu hiệu này kia. Nhưng chúng nó đã nhầm, không bao giờ anh chấp nhận nói những lời phỉ báng Đảng, Bác Hồ và cuộc kháng chiến mà chính anh đã hi sinh tuổi trẻ. Những lời mời trọng thị cùng nhiều ưu đãi đều bị anh từ chối thẳng thừng. Những cuộc hẹn phỏng vấn, những đề nghị tiếp xúc, đều bị anh từ chối thẳng thừng. “Tôi viết lên tiếng nói của sự thực không phải là tôi giống các ông”, anh khảng khái trả lời họ. Ngay cả một nhà văn là bậc thầy của anh, một tên tuổi lẫy lừng sau đó “phản tỉnh” có lần trong tiệc rượu nhắc nhở anh, hàm ý anh phải viết giống như ổng mới là có lương tri. Anh bình tĩnh trả lời ngắn gọn: “Xin lỗi, anh là thầy tôi, tôi học anh nhưng tôi vẫn khác anh”. Nói, rồi anh lặng lẽ rút khỏi bữa tiệc mặc cho họ ngồi chém gió với những giá trị dân chủ, nhân quyền, chân lý Mỹ...
Người lính, nhà văn ấy, trong một truyện ngắn mang dáng dấp một phóng sự, một hồi ức từng viết vào Sài Gòn sau mấy chục năm, anh chưa thể hòa nhập được với cuộc sống hiện tại sôi động vì chưa bao giờ tầm nhìn của anh vượt ra được khỏi những ký ức, một ký ức luôn nóng rực và đau nhói...
Văn Minh