Trước khi bị vào tù, không ai biết Phạm Chí Dũng là ai. Anh ta chỉ nổi lên sau chùm bài nói xấu hai cán bộ cao cấp nhà nước là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Sau đó, do bắt được bằng chứng liên hệ với các tổ chức chống đối nhà nước ở hải ngoại là Đảng Dân Chủ và đưa ra các thông tin giả mạo nhằm gây hỗn loạn trong dân chúng, Phạm Chí Dũng đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau khi ra tù, Phạm Chí Dũng nuôi chí phục thù, tiếp tục thành lập cái gọi là “Hội nhà báo Độc lập” với trang tuyên truyền đại diện là Việt Nam Thời Báo.
Sau một thời gian phát triển, Việt Nam Thời Báo vẫn không làm được gì khác ngoài tiếp tục sự nghiệp nói xấu các lãnh đạo nhà nước mà Phạm Chí Dũng đã vạch ra. Bạn có thể tin nổi cả một trang truyền thông với đội ngũ đông đảo các nhà báo trong nước và hải ngoại tập trung vào việc hạ bệ uy tín cá nhân? Cứ mỗi lần Việt Nam có ban bệ cán sự mới thì Phạm Chí Dũng lại có cả một kho tàng các chuyện bới móc, hạ nhục để duy trì thương hiệu của anh ta. Và lần này là Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với việc xử lý sai phạm của Formosa trong vấn đề xả thải và đền bù cho ngư dân.
Trong bài viết của mình Phạm Chí Dũng đã dùng không ít những lời lẽ buộc tội thiếu cơ sở như: “Từ Tháng Tư đến nay, có quá nhiều bằng chứng về thái độ giả dối của giới quan chức từ trung ương đến địa phương về việc “sẽ làm sạch biển và ổn định đời sống cho ngư dân”. Sau sáu tháng kể từ ngày cá chết hàng loạt, nhiều bằng chứng phũ phàng liên tiếp hiện hình. Quá nhiều khuất tất, quá nhiều nghi ngờ để có thể đúc rút quá nhiều sai lầm của một tân chính phủ và tân thủ tướng đã quay lưng với ngư dân miền Trung, bất chấp hai kỳ bầu bán và tuyên thệ liên tục vào Tháng Ba và Tháng Bảy”. Được biết ông Phạm Chí Dũng tự cho mình là một “nhà báo”. Hi vọng ông biết nguyên tắc báo chí đó là mỗi phát ngôn ra đều phải có bằng chứng rõ ràng, không được buộc tội khi không có tài liệu, chứng cứ xác thực. Đâu là bằng chứng cho “thái độ giả dối”, đâu là “khuất tất”, đâu là “quay lưng với ngư dân miền Trung”? Tất cả đều được Dũng diễn đạt một cách chung chung.
Thậm chí, Phạm Chí Dũng còn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng không ai tin Thủ Tướng Phúc “sẽ đền bù hết $500 triệu cho ngư dân?” Hay một phần, và thói thường là một phần lớn trong số đó, sẽ được các bộ ngành, chính quyền địa phương rút lại để từ đó sẽ phát sinh vô số nhũng nhiễu và nạn tham nhũng trên đầu hàng trăm ngàn người dân sắp không còn gì để ăn?” Phải chăng anh ta có tài tiên tri? Tôi nghi ngờ điều này. Thực ra, đây là sự quy chụp một cách thô thiển mà lẽ ra người mang danh “Tiến sỹ”, “nhà báo” không nên mắc phải, nó quá phi lý. Điều Phạm Chí Dũng muốn khi viết câu này là muốn người dân không tin tưởng vào tất cả những lời hứa hẹn đến từ chính phủ, muốn khuấy đảo thêm sự hỗn loạn từ người dân miền Trung. Và biết đâu… ông ta đang tạo tiền đề cho các tổ chức mang danh “xã hội dân sự” dễ dàng vận động quỹ cộng đồng cho các hoạt động từ thiện – một nguồn thu mà bấy lâu nay họ đã bị sụt giảm doanh số. Không có thiên tai địch họa, các tổ chức xã hội dân sự này, cũng như những nhà báo theo kiểu “kền kền” như Phạm Chí Dũng sẽ không thể biết làm bất cứ điều gì khác.
Thâm hiểm hơn nữa, Phạm Chí Dũng tung ra những luận điệu mang tính chất gây chia rẽ nội bộ, nhằm khiêu khích Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chống lại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng những ngôn từ và tư duy hết sức ấu trĩ. Nó phản ánh sự nhỏ nhen, tầm thường của Dũng. Có nhiều cách để phản biện, thậm chí là phản đối sự điều hành của Nhà nước, nhưng không ai có trình độ lại đi tuyên truyền những điều nhảm nhí, hèn hạ, vô căn cứ như Phạm Chí Dũng. Đọc bài viết của Dũng, cảm tưởng như đọc bài viết của kẻ vô học, đầu đường xó chợ đang hằn học, tức tối điều gì đó nhưng không đủ khả năng để giải quyết nó.
Với cương vị một nhà báo, tự cho mình là nhà báo thúc đẩy xã hội trở nên tốt đẹp hơn, thế mà Phạm Chí Dũng đang đi ngược lại tôn chỉ mục đích của mình. Thay vì nói lên sự thật, Phạm Chí Dũng đã bóp méo sự thật. Thay vì khuếch trương các giá trị dân chủ và văn minh, Phạm Chí Dũng tìm mọi cách, bất chấp thủ đoạn để gây chia rẽ và bạo loạn.
Tuấn Anh