Nguyên Ngọc - thành viên chủ chốt của Văn đoàn độc lập
Nếu như PEN - tổ chức này đã tự nhận sứ mệnh của mình như sau: "Chúng tôi đấu tranh cho tự do viết lách, với ý thức rằng sức mạnh của ngôn từ có thể thay đổi thế giới. Nhiệm vụ của chúng tôi là đoàn kết các nhà văn và các đồng minh của họ để cổ vũ sự sáng tạo và những quyền tự do liên quan", tức phạm vi hoạt động là các nhà văn và có thể là các nghệ sĩ, các nhà hoạt động liên quan đến quyền tự do sáng tạo thì ở Việt Nam có một tổ chức gần giống PEN về sứ mệnh là Văn Việt, hay Văn đoàn độc lập.
Ban vận động Văn đoàn độc lập ra đời cũng để đoàn kết những nhà văn có xu hướng không hài lòng với chính quyền và muốn tự do sáng tác, và họ tin rằng những nhà văn này có thể mang lại một nền văn học tốt hơn cho Việt Nam. "Tự do sáng tác" và đoàn kết các nhà văn là thông điệp chung của cả PEN, PEN America và Văn Việt. Nhưng Văn Việt không quan tâm đến các giá trị khác, giống như PEN, truyền bá tri thức hay bảo tồn các di sản tri thức và nghệ thuật. Cơn sùng tín Mỹ của các nhóm bất đồng chính kiến tại Việt Nam đã biến Văn Việt thành một bản sao lỗi lố bịch của Pen America chứ không phải của International PEN.
Văn Việt là trang web chính thức của Ban vận động Văn đoàn độc lập, tức là Văn Việt phải là nơi thể hiện cho các giá trị mà Bản tuyên bố thành lập Ban vận động Văn đoàn độc lập đưa ra là " Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước; Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ; Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người".
Thế nhưng sau gần 3 năm hoạt động, Văn Việt chưa làm được bất cứ điều nào trong ba “nhiệm vụ” trên. Thay vì đó, bất cứ sự vụ chính trị nào không liên quan đến mình cũng thấy tổ chức này nhúng tay vào: từ bảo vệ người biểu tình đến kêu gọi chữ ký phản đối một chính sách nào đó của chính quyền, và bây giờ là hùa vào cùng PEN để bảo vệ một người không hề cầm bút.
Văn Việt và Pen America đều dành một dung lượng lớn trên website để bàn luận về các vấn đề chính trị thay vì các vấn đề liên quan đến văn học, văn hóa hay tri thức. Văn Việt bàn về văn học và văn hóa nhiều hơn PEN America bởi vì dù sao đi nữa, Việt Nam cũng có quá nhiều trang bàn về chính trị rồi. Nhưng cũng chính vì sự xen kẽ không tương xứng giữa các bài chính trị, các lời tuyên bố kêu gọi và các bài nghiên cứu mang tính học thuật phức tạp, các sáng tác hay dở lẫn lộn đã khiến Văn Việt trở thành một website kệch cỡm, không hoàn toàn trung thành với các tôn chỉ mục đích mà mình đã nêu ra. Thêm nữa, do các lời kêu gọi, lời tuyên bố hay các bài viết về các nhân vật đấu tranh chính trị không nằm ở vị trí đẹp trên website Văn Việt nên website này cũng không có ảnh hưởng gì lớn trong công cuộc đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam cũng như thế giới.
Xét về giải thưởng, Văn Việt có một cách trao giải kỳ cục. Bắt chước Pen America và Uỷ ban nhà văn trong tù, Văn Việt trao giải cho các nhà văn không được xuất bản sách ở Việt Nam và có xu hướng chống đối chính quyền. Họ không quan tâm đến chất lượng nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm mà chỉ chú ý đến thành tích chống đối. Nhưng Pen America hay Uỷ ban nhà văn trong tù không lấy giải thưởng ra để chia cho bạn bè cùng phe cánh mà họ dùng giải thưởng để vươn tầm ảnh hưởng trong khi Văn Việt lại coi việc trao giải như một hình thức chia tiền thưởng và danh tiếng cho anh em, bạn bè và người thân. Do vậy, Văn Việt thực sự là một bản sao kém hiệu quả của PEN AMERICA.