Latest
Loading...

Những người ngã xuống khi đi tìm đồng đội trên đất nước Triệu Voi

Trong hành trình đưa đồng đội về đất Mẹ, nhiều đội quy tập liệt sĩ đã mất mát vô cùng lớn. Những năm gần đây, chỉ tính riêng Đội quy tập Quân khu 4 đã có 19 quân nhân nằm lại trên những cánh rừng xa thẳm của đất nước Triệu Voi… 
 Sự vất vả, gian nan của các đội quy tập hài cốt liệt sĩ thì làm sao chúng ta có thể kể hết. Riêng về Đội quy tập 584 của Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, cả tập thể và nhiều cá nhân đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là đội quân phụ trách tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn 3 tỉnh: Khăm Muộn, Xa-la-van, Xa-vẳn-na-khệt (Lào). Chỉ tính riêng Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An những năm qua đã có sự mất mát vô cùng lớn- với 9 quân nhân hy sinh..
Những khó khăn khi sang đất bạn Lào tìm kiếm hài cốt là vào mùa mưa thì muỗi, vắt, nước độc, sốt rét; mùa khô nắng như đổ lửa, khắp các khe suối đều cạn kiệt nước, nhiều lúc cán bộ, chiến sĩ phải hành quân cả ngày đường mới tìm được khe suối sâu, đầy xác súc vật nhưng vẫn phải ăn uống và sinh hoạt.
Nhiều lần không tìm thấy nước, anh em lại chặt cây chuối vắt lấy nước để nấu cơm, như các khu vực: Phù-xeng-he, La-hạp, Phu-cà-tôn và một số địa bàn của huyện Sê Pôn… Địa bàn huyện Sê Pôn cực kỳ hiểm trở, khó khăn. Các chuyến đi đều gặp nhiều nguy hiểm. Để đến với nơi chôn cất liệt sĩ, anh em phải chặt tre làm thang, dùng dây để chui vào hang, phải đi bộ từ 50 đến 70 cây số…
thumb_660_f1b128d9-b4f6-4275-9900-ca216d32ddcb
Đại tá Vũ Đình Thắm, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 4
Nhắc đến gian khổ, hiểm nguy không thể không kể đến những lần cán bộ, chiến sĩ trong Đội 584, BCHQS tỉnh Quảng Trị phải đối mặt với sốt rét rừng, thiếu ăn, giặc lửa bủa vây.
Trong gần 30 năm  đi làm nhiệm vụ, các anh đã quy tập được hàng ngàn liệt sĩ,  nhưng chuyến nào cũng vậy, anh em trong Đội thường xuyên vượt qua mọi hiểm nguy, hay mắc phải những căn bệnh nan y…
Đó là căn bệnh sốt rét kinh niên, những người lính đi tìm liệt sĩ rồi chính mình trở thành liệt sĩ như: Đồng chí Phạm Viết Hòa, hy sinh năm 1997, khi chuyển hài cốt vượt sông về vị trí tập kết, anh Hòa đã giữ nguyên vẹn được hài cốt liệt sĩ rồi bị đuối sức; đồng chí Trương Quang Thanh, hy sinh năm 2005 do bị cây rừng gãy đổ, bị xe trượt dốc làm bị thương nặng…
Được đồng đội gọi biệt danh là “lão làng bản địa” của nhân dân các bộ tộc Lào, Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Lưu hôm nay ngồi ôn lại cũng cảm thấy rờn rợn với những gì anh và đồng đội từng trải qua.
Nước bạn Lào quá mênh mông, nguồn nước, khí hậu độc, địa bàn tỉnh Xa-vẳn-na-khệt chủ yếu là rừng rậm, lẫn tre nứa. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây là chiến trường ác liệt, là nơi diễn ra cuộc hành quân “Lam Sơn 719 của Mỵ-ngụy”, “Chiến dịch Đường 9-Nam Lào”, số bộ đội ta hy sinh trên địa bàn này nhiều, an táng nhiều nơi khác nhau. Địa bàn đặc biệt ấy đồng nghĩa việc các anh phải đối diện với nhiều gian nan, vất vả.
Cất bốc hài cốt liệt sĩ trên đất Lào. Ảnh: Dân trí
Ngày nhận nhiệm vụ các anh phải tập trung học tập và huấn luyện để đối mặt với các sự cố như tai nạn, rủi ro, rắn độc cắn, gặp phỉ phục kích… Nhớ lại những năm tháng ấy “người hùng” Trần Hữu Lưu nhớ nhất là cuộc chiến với giặc lửa trên đỉnh đồi Phù-xeng-he, huyện Sê Pôn để bảo vệ bộ đội và 13 hài cốt liệt sĩ.
Hôm ấy, cả đội đang hành quân nghỉ lại qua đêm thì bất ngờ giặc lửa ở đâu ập tới, bao vây 4 phía, anh phát hiện thấy 1 hố bom chỉ còn vài gầu nước. Không còn cách nào khác, các anh vừa lấy cây dập lửa, vừa đưa hài cốt xuống hố nước và múc nước giội lên người và hài cốt để chống chết cháy… Còn chuyện bị cô lập giữa dòng nước, ăn lá bứa rừng qua ngày, chuyện rắn cắn với các anh là chuyện thường ngày.
Năm 1999, trong đợt đi 6 tháng trời, rà soát lại địa bàn ở bản Khai, huyện Phu Cút, tỉnh Xiêng Khoảng cũng là kỷ niệm đáng nhớ.
Hôm ấy theo nguồn tin của người dân, từng có một liệt sĩ Việt Nam được chôn ngay dưới hố bom. Nay hố bom đã bị thời gian khỏa lấp, việc lấy hài cốt liệt sĩ là vô cùng khó khăn, vất vả, phải đào lấp gần cả trăm khối đất. Nhưng không vì thế mà anh em chùn bước nản chí. Anh em trong đội hạ quyết tâm cố gắng đào xong trong ngày.

Và cất bốc liệt sĩ xong anh Toản bị cảm, cứ cho rằng là cảm bình thường rồi sẽ qua khỏi. Đến lúc anh Hải đi cùng đoàn nhìn thấy thần sắc và võng mạc của anh Toản có những dấu hiệu bất thường, anh Hải và Bình đưa anh Toản về vị trí tập kết của đội, rồi đưa ra Bệnh viện Xiêng Khoảng điều trị mấy ngày liền. Tất cả anh em trong đoàn lo anh Toản khó qua khỏi nên đưa về Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4) để cứu chữa.
Đưa các anh về đất Mẹ. Ảnh: Dân trí
Về Bệnh viện Quân y  4, mặt Toản xanh ngắt, cơ thể chỉ còn hơn 30kg, các bác sĩ nhìn thấy ai cũng lo lắng nên khẩn trương chuyển anh ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Rất may các y sĩ, bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cấp cứu kịp thời cho anh Toản.
Ôn lại câu chuyển các bác sĩ giành lại sự sống cho mình, anh Toản nghẹn ngào không kìm được nước mắt: “Tôi sống được hôm nay là nhờ nghĩa tình, trách nhiệm tận cùng của đồng đội, của các y sĩ, bác sĩ. Tôi và gia đình mang ơn họ suốt đời”.
Đại tá Vũ Đình Thắm, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 4: 
“Ngay sau khi Đề án 1237 của Chính phủ ban hành, các ban ngành của quân khu đã thực hiện nghiêm các nội dung quy định. Hiện nay, đơn vị tập trung cho địa bàn Quảng Trị, đầu năm 2017 các đội quy tập trong nước đã tìm kiếm, cất bốc được 34 hài cốt trong nước. Đặc biệt ở Lào, mùa khô 2017, các đội quy tập đã tìm kiếm cất bốc được 139 hài cốt. Đây là cố gắng lớn của mỗi tổ chức cá nhân”.
Những hy sinh thầm lặng
Bữa cơm giữa rừng. Ảnh: Dân trí
Một con số bao trùm lên mọi đánh giá nhận xét về những cực nhọc, hiểm nguy của người lính đi tìm, cất bốc hài cốt liệt sĩ từ năm 1984 đến nay, đó là có 19 liệt sĩ đã hy sinh trên đất bạn Lào anh em…
Khi chúng tôi về Bộ CHQS tỉnh Nghệ An được biết các anh trong Ban Chính sách và những người từng đi tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ với liệt sĩ Phạm Đức Lục ở Lào. Các anh vừa về huyện Nam Đàn để thắp hương cho liệt sĩ Phạm Đức Lục và liệt sĩ Lê Công Đường ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn.
Điều đặc biệt là các anh cùng thôn, cùng tham gia một mũi và cùng anh dũng hy sinh trong một lần ngược rừng tìm đồng đội giữa đêm mưa. Hôm các anh về, vừa dâng hương viếng liệt sĩ Phạm Đức Lục và liệt sĩ Lê Công Đường; vừa mừng cho con gái đầu của liệt sĩ Phạm Đức Lục lên xe hoa. Trong niềm vui ấy, các anh, những đồng đội của anh năm xưa lại nhớ đến ngày anh hy sinh, bỏ lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại. Nhìn con gái anh mặc bộ váy cưới ai cũng mừng, những đồng đội của anh đã chấm những giọt nước mắt hạnh phúc, chắc chắn ở nơi suối vàng anh Lục cũng sẽ an lòng…
Tỷ mẩn tìm lại từng di vật của liệt sĩ
Câu chuyện của đồng chí Lương Khắc Lược, hy sinh năm 2005 do một trận sét đánh, chúng tôi đã được vợ anh-chị Nguyễn Thị Bình kể lại: Anh ra đi bỏ lại người vợ và 2 con nhỏ, chị không có việc làm.
Được sự giúp đỡ, quan tâm chu đáo của Bộ tư lệnh Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, chị Bình được nhận vào làm công tác nuôi quân ở Ban CHQS huyện Nông Cống, đến nay 2 cháu đã trưởng thành, đứng trong hàng ngũ quân đội.
Điều làm chị xúc động, hằng năm đến ngày giỗ anh, những đồng đội cùng đơn vị với anh năm xưa đều nhớ về dâng hương cho anh và động viên 3 mẹ con. Chị Bình xúc động: “Anh ra đi là sự mất mát vô cùng lớn cho 3 mẹ con tôi, nhưng 3 mẹ con tôi đã luôn có sự đồng hành, cưu mang của tình đồng chí, đồng đội, sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên dành cho thân nhân liệt sĩ”.
Gần 3 thập niên, những người lính Quân khu 4 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào anh em, đã có tới 19 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Chắc chắn ít người biết đến công việc thầm lặng, hiểm nguy, điều kiện lao động, sinh hoạt của họ. Với chúng tôi, lần đầu tiên được tiếp cận con số này chúng tôi thực sự cảm phục và thấu hiểu hơn sự xả thân của những người lính “mò kim đáy bể” trên rừng thiêng nước độc của bạn Lào, để quyết tâm đưa hài cốt đồng đội mình về với Đất Mẹ..
(Còn nữa…)

Author:

Previous Post
Next Post