Từ khi nhận được thông tin, người viết bài này cứ băn khoăn với câu hỏi, điều gì đã “đưa đẩy” khiến ông Nguyễn Xuân Anh, một người xuất thân từ gia đình có truyền thống (bố ông là ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT Trung ương), đã từng có những lời nói, việc làm rất ấn tượng bị kỉ luật hôm nay?
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo kết luận thi hành kỉ luật đối với hai lãnh đạo cao nhất TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Ạnh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ.
Theo đó, những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh được đánh giá là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cụ thể, ông Xuân Anh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Đây là những quyết định nghiêm khắc, thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng đồng thời khẳng định thái độ kiên quyết, “củi khô”, “củi tươi”, “củi to”, “củi nhỏ” đều có thể bị ném “vào lò” bất cứ lúc nào nếu vi phạm.
Từ khi nhận được thông tin, người viết bài này cứ băn khoăn với câu hỏi, điều gì đã “đưa đẩy” khiến ông Nguyễn Xuân Anh, một người xuất thân từ gia đình có truyền thống (bố ông là ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT Trung ương), đã từng có những lời nói, việc làm rất ấn tượng bị kỉ luật hôm nay?
Nhìn lại con đương quan lộ, có lẽ cũng không loại trừ những lợi thế xuất thân, truyền thống gia đình giúp ông Nguyễn Xuân Anh có những bước tiến khá ngoạn mục. Sau 7 năm làm báo Thanh niên (1999 – 2006), khi mới 33 tuổi (2009) ông Xuân Anh đã là Bí thư Quận ủy quận Liên Chiểu.
Năm 35 tuổi (2011), là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Năm 39 tuổi (2015), là Ủy viên chính thức, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Nhớ dạo khi mới nhậm chức (2015), ông đã có những phát biểu dậy sóng. Trong Diễn văn bế mạc Đại hội XI của Đảng bộ Đà Nẵng, ông viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc rằng không có quyền lực ngoài pháp luật, phải thượng tôn pháp luật và quản lý TP bằng pháp luật.
Quan hệ xã hội giữa con người với con người rộng mở; quan hệ cấp trên cấp dưới thật sự dân chủ, thân tình… Chức vụ là do Đảng phân công, vì vậy, người lãnh đạo muốn làm việc gì thì phải nghĩ “đây không phải quyền lực mà mình được hưởng thụ cho cá nhân hoặc cho gia đình mà tùy tiện muốn làm gì thì làm…”
Kiên quyết chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực. Đối với công tác cán bộ, tư tưởng chủ đạo là phải đấu tranh không khoan nhượng với nạn “chạy chức, chạy quyền”, kiên quyết chống “thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ”, đặc biệt, trong nhiệm kỳ mới này phải tập trung xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc, phải đặt niềm tin trọn vẹn vào thế hệ trẻ, tạo những điều kiện tốt nhất để họ có cơ hội phát triển, sẵn sàng gánh vác trọng trách xây dựng thành phố”.
Trước những lời phát biểu tưng bừng này, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên đồng thời cũng là thủ trưởng cũ của ông Xuân Anh gọi điện. Trả lời phỏng vấn trên Infonet, ông Xuân Anh kể lại:
“Anh Nguyễn Công Khế nguyên là lãnh đạo cũ của tôi, là người đi trước rất quý mến tôi. Sáng sớm nay ảnh gọi điện cho tôi, bảo: “Đọc cái bài anh thấy rất phấn khởi. Xuân Anh à, chú cứ làm y như những gì chú nói. Nếu không làm được như vậy thì đất nước sẽ lộn xộn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chứ không phải không. Bây giờ anh em mình có phải thiếu thốn gì ấy đâu mà phải tiêu cực, phải này nọ. Chú phải làm y như những điều đã nói!”. Tôi nghĩ rất là đúng. Tôi nói với ảnh là: “Anh yên tâm. Em hứa em nói sao em sẽ làm như vậy!”.
Trong 2 năm qua, ông Xuân Anh còn “sở hữu” rất nhiều câu nói ấn tượng khiến dư luận có lúc như… “lên đồng” như: “Không ai có khả năng chi phối lãnh đạo thành phố cả”, “Thành phố yên bình gì mà thấy xã hội đen nhan nhản ngoài đường?”, “Cả tôi cũng vậy, nếu làm không được thì tôi sẽ xin nghỉ”, “Kiên quyết chống thị trường ngầm và thương mại hóa công tác cán bộ”, “Cách chức giám đốc Sở nếu tai nạn giao thông không giảm”, “Đã đến lúc xây dựng văn hóa từ chức”, “Đừng để yêu thương, ghét bỏ ảnh hưởng đến quyết định đối với doanh nghiệp”, “Tôi sẽ từ chức nếu có bất kỳ lô đất nào”…
Thế mà giờ đây, theo kết luận của UB Kiểm tra Trung ương, ông đã mắc những khuyết điểm ngược hẳn với chính những gì tốt đẹp ông từng nói. Đó là độc quyền, áp đặt trong lãnh đạo, là gian dối về bằng cấp, là biểu hiện lợi dụng chức quyền vụ lợi, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.
Điều gì đã đưa đẩy ông Nguyễn Xuân Anh từ lời nói đến việc làm trái ngược nhau như vậy? Người viết bài này thấy bất lực nên chỉ xin dùng duy nhất một từ: Chịu! Còn theo các bạn, vì sao vậy?
Bùi Hoàng Tám